Làng nghề đan mũ ở xã Tây An huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) nay đã lan rộng ra địa bàn hơn 20 xã trong huyện Tiền Hải, tạo việc làm cho hơn 1.500 người. Từ nguyên liệu tự nhiên là cói, qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề Tây An đã trở thành những chiếc mũ tinh xảo, đẹp mắt.

Để có được sản phẩm cói mỹ nghệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là cả một quy trình cầu kỳ và khắt khe ngay từ khâu chọn nguyên liệu, nhuộm cói, đan và hoàn thiện sản phẩm.

Cói sau khi được thu mua về sẽ đem phơi, ủ và bắt đầu cho ngâm vo để xử lý mốc. Tiếp đó, cói được đưa vào máy tuốt mào và cho nhuộm qua một lớp màu cải với hạt trắng để cho ra màu đẹp mắt, sau đó cói được đưa ra ép cói cho mềm. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, cói phải được lựa chọn tỉ mỉ từng sợi, những sợi cói phải láng, đẹp, rồi mới phân loại theo độ dài, chọn sợi to, sợi nhỏ và đồng màu. Tuyệt đối không để hai màu đan vào nhau, các lan phải đều màu mới tạo ra được sản phẩm cói đẹp. Sau khi chọn ra những sợi cói đạt tiêu chuẩn thì những người thợ sẽ bắt tay và đan để tạo thành phẩm. Những sản phẩm sau khi được đan hoàn thiện sẽ đem ra phơi, sấy khô. Cuối cùng, sản phẩm được cắt tỉa, treo tem và đóng gói để bán ra thị trường.
 Nổi tiếng là nghề đan mũ nhưng ở đây không chỉ đan mũ mà còn đan cả túi, ró. Cái tên nghề đan mũ được gọi chung cho cả nghề đan là vì lúc đầu ở đây chủ yếu là đan mũ lỗ. Đan mũ lỗ cần nguyên liệu là sợi bằng giấy, sợi này phải nhập ngoại, công nghệ đan hơi phức tạp. Đan các cặp túi thì nguyên liệu chủ yếu là đay tơ. Sản phẩm đan xong được nhúng màu, may vải lót, làm quai và hoàn thiện là có thể đem bán. Đan ró, mũ bằng cói không khó nhưng quan trọng là khâu xử lý cói. Nguyên liệu cói phải được xử lý sao cho trắng, đẹp, không mốc thì sản phẩm đan xong mới đẹp và bắt mắt.
Người có tay nghề thạo mỗi ngày cũng kiếm được hơn 20.000 đồng từ đan mũ. Trẻ con, người già những lúc nhàn rỗi có thể đan mũ. Những người ban ngày đi làm việc khác, vào buổi tối cũng có thể đan mũ để kiếm thêm thu nhập.

Nghề đan mũ ở Tây An nay đã lan rộng ra địa bàn hơn 20 xã trong huyện Tiền Hải, tạo việc làm cho hơn 1.500 người. Từ ngày có nghề đan mũ trẻ con ít chơi bời lêu lổng, người lớn ít uống rượu chè, cuộc sống nông thôn ở đây thay đổi đáng kể. Nhiều hộ gia đình trước đây khó khăn, từ khi có nghề đan mũ đan trở nên no ấm có gia đình còn tiết kiệm xây được nhà mới.

Nhờ sự nhanh nhạy khi nắm bắt nhu cầu của thị trường, thị hiếu nước ngoài, giờ đây những sản phẩm từ cói không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn trở thành thương hiệu có tên tuổi ở thị trường các nước đang được ưa chuộng. Đây là niềm tự hào cũng như là động lực để những người dân Tây An tiếp tục duy trì nghề đan cói truyền thống, làm giàu cho quê hương.

Bà Phạm Thị Ngắn, xã Tây An, huyện Tiền Hải đã khẳng định được hướng đi trong việc duy trì và phát triển nghề truyền thống của cha ông. Đó là tìm đầu ra cho dòng sản phẩm trên thị trường quốc tế. Công ty của bà hàng năm đạt trên 60 tỷ đồng, đã và đang tạo điều kiện việc làm cho khoảng 70.000 lao động trong tỉnh.

30 năm gắn bó với nghề đan lát truyền thống của quê hương, cho đến bây giờ, bà Ngắn vẫn luôn giữ mãi được ngọn lửa nhiệt huyết với cái nghề mà cha ông để lại. Bằng chứng thể hiện rõ nhất, đó là những bước tiến dài và vươn xa của Công ty sản xuất SNK hàng thủ công mỹ nghệ Tây An ngày nay. Không chỉ là duy trì nghề, phát huy giá trị tinh hoa của sản phẩm nghề truyền thống mà bà Ngắn còn không ngừng đưa các sản phẩm của làng nghề ra các thị trường ở Châu Âu, Châu Mỹ.

Từ những nguyên liệu tự nhiên như sợi, cói, giấy, bèo… qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề nơi đây đã trở nên tinh xảo, khác thường. Hiện nay, Công ty đã có hơn 300 mẫu mã sản phẩm và tạo việc làm cho hơn 300 người thợ tại làng nghề, cùng gần 70.000 lao động tại khắp các huyện trong tỉnh.

Theo Làng nghề Việt