Với lợi thế phát triển trên vùng đất giàu tiềm năng, trong thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng và phát triển được các mặt hàng nông sản, thực phẩm nổi tiếng, tạo nên thương hiệu cho hàng hóa địa phương có giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, cùng với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ những lợi thế có được, tỉnh Sóc Trăng đã khai thác tiềm năng, thế mạnh để thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay chương trình đã lan tỏa rộng khắp, qua đó góp phần tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Song hành với phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm tiêu biểu ra thị trường ngoài tỉnh, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, góp phần tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế.

 

Nhằm thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và kết nối cung cầu, liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản vùng miền của tỉnh Sóc Trăng, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tỉnh Sóc Trăng năm 2020. 

Hội nghị hướng tới mục tiêu kết nối, tạo ra sự liên kết bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp, góp phần giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương. Đồng thời, góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, các đơn vị phân phối lớn của các tỉnh,

Toàn cảnh Hội nghị Kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tỉnh Sóc Trăng năm 2020 

thành phố gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu nắm bắt thông tin thị trường; thúc đẩy sản xuất, kết nối cung cầu hàng hóa, mở rộng và phát triển hệ thống phân phối, phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhân dân trong tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các diễn giải chia sẻ những bài học kinh nghiệm, định hướng quý giá về cơ chế chính sách đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, phối hợp liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm OCOP 

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Sóc Trăng có nhiều định hướng phát triển thương mại dịch vụ, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân và nhu cầu xuất khẩu tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp trong tỉnh. 
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490 ngày 7-5-2018, trọng tâm là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị mà chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, thời gian qua, Chương trình OCOP đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm ở khắp các tỉnh, thành cả nước. Riêng tại Sóc Trăng, qua 2 năm triển khai thực hiện chương trình, tỉnh đã công nhận 99 sản phẩm OCOP của 52 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, trong đó có 24 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 75 sản phẩm đạt hạng 3 sao; đã đề nghị Trung ương xem xét, công nhận 8 sản phẩm đạt hạng 5 sao…

 
Các nhà phân phối và doanh nghiệp cùng chia sẻ kinh nghiệm kết nối cung cầu cho sản phẩm OCOP 

“Phát huy các thế mạnh có nhiều đặc sản, sản phẩm chất lượng cao như: các loại gạo đặc sản ST, tài nguyên, sữa; hành tím Vĩnh Châu; bánh Pía, lạp xưởng; tôm đông, trái cây các loại (bưởi, xoài, sầu riêng, nhãn, vú sữa, dừa, cam,… đặc biệt, gạo ST25 của Sóc Trăng đã được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới 2019". Sóc Trăng sẽ tiếp tục phát triển thương mại của tỉnh, nhất là trong thực hiện giải pháp: “Cùng các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đưa các sản phẩm OCOP, đặc sản, đặc trưng của các vùng miền vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ và hệ thống phân phối lớn trên cả nước và xuất khẩu”, ông Trần Văn Chuyện cho biết.
 

Các sản phẩm OCOP được giới thiệu tại Hội nghị

Ngoài các sản phẩm OCOP được công nhận, Sóc Trăng còn có nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản là thế mạnh của tỉnh được quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đáp ứng các điều kiện cần thiết để đưa sản phẩm hàng hóa vào tiêu thụ tại các thị trường, kênh phân phối hiện đại trong nước và xuất khẩu.

Bánh Pía là một trong những sản phẩm chủ lực của Sóc Trăng

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã được nghe những chia sẻ ý kiến của các diễn giả, khách mời từ các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ chuyên gia kinh tế, từ các nhà phân phối và các doanh nghiệp trong tỉnh về những bài học kinh nghiệm, định hướng quý giá về cơ chế chính sách đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, phối hợp liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc sản, thế mạnh, chủ lực của các địa phương, vùng miền; chia sẻ về nhu cầu kết nối sản phẩm hàng hóa vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ và các hệ thống phân phối của các tỉnh, thành trên cả nước.

 
Sản phẩm OCOP của Sóc Trăng

Các doanh nghiệp tham gia Hội nghị đều có mong muốn là các nhà phân phối biết đến sản phẩm của mình, tìm kiếm đối tác kết nối sản phẩm tới các địa phương đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh. Họ cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng hệ thống các cửa hàng trên toàn quốc chuyên bán các sản phẩm OCOP để các nhà sản xuất có chỗ giới thiệu sản phẩm còn nhà phân phối thì không phải đi đâu xa để tìm nguồn sản phẩm.
Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho biết, thông qua hội nghị lần này, tỉnh, ngành công thương cũng như các doanh nghiệp đã ký kết được nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác như ký biên bản ghi nhớ kết nối cung cầu, liên kết sản xuất giữa Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong nước; biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Sóc Trăng và các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các hệ thống phân phối của các tỉnh, thành trên cả nước; giữa các doanh nghiệp, nhà sản xuất với hệ thống phân phối, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền…

Các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ

Kết thúc Hội nghị, đã có 14 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố được ký kết; 8 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Sóc Trăng và các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các hệ thống phân phối của các tỉnh, thành trên cả nước; ký kết 34 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với 8 doanh nghiệp, hệ thống phân phối lớn trong hệ thống phân phối toàn quốc.
Sự hưởng ứng ban đầu này sẽ lan tỏa thành sự hợp tác thiết thực của các doanh nghiệp, trong tương lai.

Nguồn sưu tầm: tapchicongthuong.vn