Sau khi có chủ trương của Bộ Công Thương và Quyết định ban hành Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Công Thương Tiền Giang có Công văn hướng dẫn thực hiện và xét công nhận Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và xã NTM nâng cao theo từng giai đoạn.  

Đối với Tiêu chí số 4 về điện

Trên địa bàn các xã được UBND tỉnh Tiền Giang chọn xây dựng NTM, Sở Công Thương Tiền Giang đã ban hành nhiều văn bản đề nghị Công ty Điện lực Tiền Giang bố trí vốn, khẩn trương thực hiện thi công hoàn thành các công trình điện trên địa bàn các xã được chọn xây dựng NTM; đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra an toàn lưới điện hạ áp nông thôn từ sau điện kế đến hộ sử dụng điện, do hộ dân quản lý trên địa bàn các xã xây dựng NTM; đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Điện lực Tiền Giang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình điện trên địa bàn các xã xây dựng NTM,... Đồng thời, Sở Công Thương Tiền Giang đã có các văn bản hướng dẫn hồ sơ, phương pháp kiểm tra, đánh giá tiêu chí điện trên địa bàn các xã xây dựng NTM, NTM nâng cao; tiêu chí điện huyện NTM và thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Hàng năm, Sở Công Thương Tiền Giang phối hợp với các địa phương, ngành điện tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ đạt Tiêu chí số 4 về điện trên địa bàn các xã được chọn xây dựng NTM, kịp thời chỉ ra các tồn tại để các địa phương, ngành điện khắc phục; làm việc, hướng dẫn cho các địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tiêu chí điện trên địa bàn các xã; khảo sát, lập danh mục đề nghị đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện trên địa bàn các xã xây dựng NTM; tổ chức kiểm tra việc củng cố, duy trì Tiêu chí số 4 về điện trên địa bàn một số xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Giai đoạn 2011 - 2022, Công ty Điện lực Tiền Giang đã thực hiện đầu tư lưới điện trên địa bàn 142/142 xã của tỉnh để đạt Tiêu chí số 4 về điện (kể cả xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước đã chuyển thành thị trấn Mỹ Phước; xã Bình Phú, huyện Cai Lậy đã chuyển thành thị trấn Bình Phú) với khối lượng 975,1km đường dây trung áp, 4.599,4km đường dây hạ áp, 2.440 trạm biến áp với tổng dung lượng 123.292,5kVA, tổng vốn khoảng 1.191,7 tỷ đồng.

Với việc đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện trên địa bàn các xã xây dựng NTM nêu trên đã giảm được khoảng cách cấp điện từ đường dây hạ áp đạt chuẩn đến hộ dân, đảm bảo chất lượng điện áp, giảm tổn thất điện năng, lưới điện hạ áp từ sau công tơ đến hộ dân đảm bảo an toàn, đảm bảo mỹ quan, đồng thời đã kết hợp cấp điện phục vụ bơm nước tưới tiêu và phát triển vùng quy hoạch thanh long trên địa bàn tỉnh,... góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến tháng 4/2023, toàn tỉnh Tiền Giang có 138/142 xã đạt Tiêu chí số 4 về điện, 39/142 xã đạt tiêu chí điện đối với xã NTM nâng cao, 2/142 xã đạt tiêu chí điện đối với xã NTM kiểu mẫu; 04 huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Cai Lậy đạt tiêu chí điện huyện NTM; thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đối với tiêu chí điện.

Phấn đấu giai đoạn 2023 - 2025 tỉnh Tiền Giang có 142/142 xã đạt Tiêu chí số 4 về điện (đạt 100%), 04 huyện còn lại (gồm: Cái Bè, Tân Phước, Châu Thành, Tân Phú Đông) đạt tiêu chí điện của huyện NTM.

Đối với Tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và Chỉ tiêu 6.2 Chợ trung tâm huyện đạt chợ kinh doanh thực phẩm đối với huyện NTM

Về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn tại các xã

Để việc thực hiện Tiêu chí số 7 được thuận lợi, Sở Công Thương trực tiếp xuống các xã dự kiến ra mắt xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu để khảo sát bước đầu và phối hợp chặt chẽ với Phòng Kinh tế - hạ tầng cấp huyện, UBND các xã triển khai thực hiện.

Trên cơ sở hồ sơ của UBND cấp huyện gửi Sở Công Thương về đề nghị thẩm định tình hình thực hiện Tiêu chí số 7 đối với xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Sở Công Thương cử cán bộ, chuyên viên phụ trách xuống địa phương để thẩm định, có biên bản thẩm định, nếu đạt thì sẽ trình lãnh đạo Sở có công văn công nhận đạt, trường hợp chưa đạt sẽ căn cứ vào quy định hiện hành, hướng dẫn UBND các xã thực hiện các nội dung chưa đạt, sau đó thẩm định lại và có công văn công nhận (khi đạt).

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 120/142 xã được công nhận đạt Tiêu chí số 7; 03 xã chưa được công nhận là: Tân Thạnh,  Phú Đông, Phú Tân, huyện Tân Phú Đông (Trong số 3 xã nêu trên có xã đạt tiêu chí số 7, tuy nhiên, do chưa lập hồ sơ gửi Sở Công Thương xem xét công nhận nên chưa có công văn công nhận; 19 xã không xét, trong đó có: 13 xã không có quy hoạch phát triển chợ (Đông Hòa Hiệp, Phú Cường, Tân Bình, Phước Lập, Tân Lập 2, Tân Hòa Tây, Tân Hòa Đông, Long Hưng, Điềm Hy, Đạo Thạnh, Phước Thạnh, Hòa Tịnh, Thanh Hòa (TX Cai Lậy). 06 xã quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 (Tân Đông, Tăng Hòa, Thạnh Hòa, Bình Trưng, Bàn Long, Hữu Đạo). 

Hàng năm, UBND cấp huyện có báo cáo duy trì thực hiện Tiêu chí số 7 đối với những xã có thời gian công nhận từ 36 tháng trở lên, đề nghị có hồ sơ gửi Sở Công Thương thẩm định và tái công nhận (nếu đạt).

Về Chỉ tiêu 6.2 Chợ trung tâm huyện đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm đối với huyện NTM

Trên cơ sở Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Bộ Tiêu chí quốc gia về huyện NTM,... giai đoạn 2021 - 2025, Sở Công Thương hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, thời điểm trước khi Quyết định số 320/QĐ-TTg có hiệu lực thì đã có 03 huyện ra mắt huyện NTM (không xét Chỉ tiêu 6.2: Chợ trung tâm huyện phải đạt chợ kinh doanh thực phẩm) đó là các huyện: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông.

Đối với huyện Cai Lậy được công nhận huyện NTM tháng 04/2023: Về tình hình thực hiện Chỉ tiêu 6.2 của huyện Cai Lậy, do đặc thù là thị trấn Bình Phú (thị trấn trung tâm của huyện Cai Lậy) mới được nâng cấp từ xã Bình Phú lên thị trấn Bình Phú chưa được 06 tháng, chợ Bình Phú nguyên trạng là chợ xã Bình Phú chưa thể nâng cấp để đạt chợ trung tâm huyện được, do vậy, Sở Công Thương có công văn không xem xét, đánh giá mức độ đạt Chỉ tiêu 6.2 đối với chợ Bình Phú. Sở Công Thương sẽ phối hợp với UBND huyện Cai Lậy có phương án nâng cấp chợ Bình Phú đạt chợ hạng 2 trong năm 2024.

Do tình hình thực tế tại Tiền Giang: có một số huyện, xã ra mắt huyện NTM, xã NTM nâng cao trước thời gian Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025 có hiệu lực, Sở Công Thương có kế hoạch và đã triển khai kiểm tra tình hình thực hiện và mức độ đạt đối với Tiêu chí số 7 và Chỉ tiêu 6.2, kết quả kiểm tra chỉ có 03/19 xã là cơ bản đạt Tiêu chí số 7, cả 03 huyện đều không đạt Chỉ tiêu 6.2. Sở Công Thương đang tổng hợp, báo cáo các cơ quan liên quan để có phương án thực hiện nhằm đảm bảo các xã đã ra mắt xã NTM, NTM nâng cao và huyện NTM (chưa đạt Tiêu chí số 7 và Chỉ tiêu 6.2) phải đạt Tiêu chí số 7 và Chỉ tiêu 6.2 trước năm 2024.

Trong năm 2023, tỉnh Tiền Giang dự kiến ra mắt 02 huyện NTM, tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ tiêu 6.2 về Chợ trung tâm huyện phải đạt chợ kinh doanh thực phẩm có nhiều khó khăn vướng mắc, hiện trạng chợ (tại thị trấn của huyện) rất khó thực hiện phân khu chức năng theo quy định do đặc thù chợ hình thành từ rất lâu trên lòng, lề đường, trên cống thoát nước, diện tích không thể mở rộng,... UBND các huyện có kiến nghị cấp trên xem xét lấy chợ khác trên địa bàn huyện (chợ hạng 2) để đưa vào xem xét, thẩm định chợ trung tâm huyện đạt chợ kinh doanh thực phẩm. Sở Công Thương đang chờ ý kiến Bộ Công Thương về khái niệm chợ trung tâm huyện để triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, sau khi dịch Covid - 19 được kiểm soát, tình trạng tiểu thương bỏ chợ ra ngoài bán rất phổ biến, có những chợ tỷ lệ tiểu thương bỏ chợ hơn 50%, tiểu thương ra buôn bán ở lòng, lề đường, trước cửa nhà làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn giao thông, mỹ quan. Việc sắp xếp đưa tiểu thương vào chợ tiếp tục kinh doanh, dọn dẹp lòng, lề đường, lấy lại cảnh quan, môi trường,... cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đối với chỉ tiêu 17.10, 18.4, 8.5 (tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với lĩnh vực ngành Công Thương quản lý)

Sở Công Thương đã có các văn bản hướng dẫn hồ sơ, phương pháp kiểm tra, đánh giá chỉ tiêu 17.10, 18.4 và 8.5 trên địa bàn các xã xây dựng NTM NTM nâng cao và huyện NTM.

Hàng năm, Sở Công Thương Tiền Giang phối hợp với các địa phương, tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ đạt chỉ tiêu 17.10, 18.4 và 8.5 trên địa bàn các xã được chọn xây dựng NTM, NTM nâng cao và huyện NTM; tổ chức kiểm tra việc củng cố, duy trì việc đảm bảo các chỉ tiêu đã được công nhận.

Đến thời điểm hiện tại, Sở Công Thương xác nhận có 139/142 xã đạt chỉ tiêu 17.10 về an toàn thực phẩm ngành Công Thương quản lý đối với xã NTM, 34/142 xã đạt chỉ tiêu 18.4 về an toàn thực phẩm ngành Công Thương quản lý đối với xã NTM nâng cao và 04 huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Cai Lậy đạt chỉ tiêu 8.5 về an toàn thực phẩm ngành Công Thương quản lý đối với huyện NTM.

 Nhìn chung, qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM: bộ mặt nông thôn thay đổi tích cực, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và tạo cơ hội cho người dân nơi đây phát triển kinh tế.

ARIT

ST: PTKD