Ngày 23/10/2023, Sở Công Thương Trà Vinh tổ chức hội nghị công bố và trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Trà Vinh lần thứ VI cho 57 sản phẩm/bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023.

Theo Ban tổ chức, năm 2023 việc tham gia bình chọn sản phẩm/bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Trà Vinh lần thứ VI, năm 2023 có 77 sản phẩm/bộ sản phẩm của 60 cơ sở công nghiệp nông thôn.

Ban Giám khảo tiến hành chấm điểm độc lập theo 03 nhóm tiêu chí trong bảng thang điểm cho từng sản phẩm đối với 77 sản phẩm/bộ sản phẩm của 60 cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký tham gia bình chọn.

Kết quả, có 57 sản phẩm, bộ sản phẩm của 43 cơ sở đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Trà Vinh lần thứ VI năm 2023 và đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận tại Quyết định số 1509/QĐ-UBND, ngày 06/10/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh về việc “công nhận sản phẩm/bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Trà Vinh, lần thứ VI, năm 2023”.

Trong 57 sản phẩm/bộ sản phẩm năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh khen thưởng: nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm, giải Nhất: bộ sản phẩm nước tương mật hoa dừa; đường hoa dừa Sokfam; nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, giải Nhất: bộ salon tre; nhóm sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng cơ khí và sản phẩm khác, giải Nhất: than Anthracite. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh còn khen thưởng 01 giải Nhì, 01 giải Ba và 02 giải khuyến khích/nhóm.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong thực hiện công tác hỗ trợ, tuyên truyền, triển khai thực hiện sản sản phẩm/bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh biểu dương sự hợp tác, phấn đấu của các chủ thể.

Phó Chủ tịch Trà Vinh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cần quan tâm chú trọng công tác truyền thông, tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ nhằm đa dạng sản phẩm; quan tâm tín dụng, giúp chủ thể có điều kiện để thực hiện sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; cần có sản phẩm/bộ sản phẩm đều ở các địa phương; tạo phong phú sản phẩm/bộ sản phẩm để hình thành các chuỗi sản xuất hàng hóa, gắn với nông nghiệp, nông dân và nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia về xâ dụng nông thôn mới.

Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là một trong những chương trình quan trọng trong tiến trình phát triển công nghiệp nông thôn, nhằm phát hiện, tôn vinh các sản phẩm đạt chất lượng, nhiều tiềm năng, giúp cơ quan quản lý nhà nước xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn.

Xác định tầm quan trọng đó, 10 năm qua, tỉnh Trà Vinh đã bám sát các thông tư, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1971/QĐ-UBND, ngày 28/11/2011 về việc thành lập Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Trà Vinh; chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố bình chọn: năm 2012, có 20 sản phẩm của 18 cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc 06 huyện và thành phố tham gia; năm 2014, có 28 sản phẩm của 22 cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc 08 huyện và thành phố tham gia; năm 2016, có 49 sản phẩm của 40 cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc 09 huyện, thị xã và thành phố tham gia; năm 2018, có 72 sản phẩm của 55 cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc 09 huyện, thị xã và thành phố tham gia; năm 2020, có 85 sản phẩm của 59 cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc 09 huyện, thị xã và thành phố tham gia. Kết quả, có từ 80 - 90% sản phẩm đủ điều kiện và được công nhận.

Từ những chính sách hợp lý, tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện 11 Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trong tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng và cạnh tranh của sản phẩm trong quá trình hội nhập.

Hiện nay, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong tỉnh đã khẳng định được thương hiệu và được thị trường ưa chuộng. Tin rằng, năm 2023 cũng như những năm tiếp theo, tỉnh sẽ có thêm nhiều sản phẩm được bình chọn. Qua đó, phát huy lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời, tận dụng nguyên, vật liệu tại địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ, thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn ngày càng phát triển.

Nguồn: Tạp chí Công Thương

ST: ĐXT