Đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ” do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Nam thực hiện với Hợp tác xã Trầm hương Nông Sơn; Công ty TNHH Kiến trúc - xây dựng - nội thất nhà Việt DECOR; Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thành Nhật Minh. Tổng kinh phí thực hiện là hơn 1,8 tỷ đồng, trong đó nguồn khuyến công quốc gia năm 2023 hỗ trợ 900 triệu đồng.
Ngày 25/5/2023, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Nam đã nghiệm thu đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ” tại HTX Trầm hương Nông Sơn (xã Quế Lộc) và Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Thành Nhật Minh (thị trấn Trung Phước) trên địa bàn huyện Nông Sơn.
Cụ thể, với những lợi thế thiên nhiên ưu đãi cho huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam trong việc phát triển các sản phẩm từ cây Dó Bầu. Hiện nay, trên địa bàn bàn huyện có nhiều cơ sở sản xuất nhang hương trầm bằng các loại máy thô sơ, thủ công. Để từng bước nâng cao năng suất sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, với mức hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công quốc gia, Hợp tác xã Trầm hương Nông Sơn đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch đầu tư 2 máy móc thiết bị tiên tiến mới 100% (tổng trị giá 610 triệu đồng), có xuất xứ từ Việt Nam, năng suất 3-5kg nguyên liệu/giờ vào sản xuất gồm: Máy làm nhang tự động đa năng (nhang nụ, vòng, không tim…); Máy làm nhang nụ tự động, có tính năng hoàn toàn tự động, nhằm giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương, giảm thải ô nhiễm môi trường và đóng góp một phần ngân sách cho địa phương.
“Trước đây sản xuất thủ công cho năng suất thấp, tốn thời gian và nhân công, điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường còn hạn chế, thời gian bảo quản ngắn, giá thành sản phẩm cao. Sau khi sản xuất theo quá trình dây chuyền tự động cho năng suất tăng gấp 2 lần so với sản xuất thủ công, rút ngắn thời gian, giảm chi phí nhân công, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, tăng thời gian bảo quản, giá thành sản phẩm hạ”, ông Trần Quý Trung - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Trầm hương Nông Sơn cho biết.
Cùng với đó, từ nguồn vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Nam hỗ trợ Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Thành Nhật Minh mua máy CNC đục tượng, máy CNC phẳng (tổng trị giá hơn 609 triệu đồng).
Khi chưa đầu tư ứng dụng máy móc tiến tiến, sản xuất thủ công dẫn đến năng suất thấp, tốn thời gian và nhân công, giá thành sản phẩm cao, sản phẩm làm ra không đều, độ chính xác không cao. Tuy nhiên, sản xuất theo máy CNC tự động đục tượng, phẳng 24.000 vòng/ phút cho năng suất tăng gấp 3 lần so với sản xuất thủ công, sản phẩm đều, đẹp, độ chính xác cao, rút ngắn thời gian, giảm chi phí nhân công, giá thành sản phẩm hạ. Do đó, việc ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến gỗ (CNC) không chỉ giảm bớt sức lao động, tăng năng suất mà còn giúp người dùng đa dạng mẫu mã, không còn bị phụ thuộc vào tay nghề người thợ.
Ông Nguyễn Văn Nhị - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thành Nhật Minh cho biết, sản phẩm tạo ra khi đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến gỗ đã có độ đồng đều, chất lượng ổn định, bảo quản được lâu dài. Sản phẩm được sản xuất hàng loạt, số lượng lớn giúp tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí sản xuất, dễ phân phối đến người tiêu dùng với giá cả cạnh tranh.
Theo ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Nam, hiệu quả của đề án nhóm trên đã giải quyết được một bộ phận lao động tại địa phương và có thu nhập ổn định cao hơn so với các nghề khác. Bình quân thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, đóng góp một phần vào thu ngân sách của địa phương, các sản phẩm có chất lượng tốt, góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đưa máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu tại địa phương; nâng cao năng suất sản xuất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng của tiêu dùng trên thị trường trong và ngoài nước.
Việc thực hiện các đề án khuyến công quốc gia nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng; đẩy mạnh và mở rộng các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển theo hướng bền vững lâu dài, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho lao động tham gia sản xuất và lợi nhuận cho chủ cơ sở kinh doanh sản xuất.
Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đưa máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất các loại sản phẩm, nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay với giá cả phù hợp. Khai thác sử dụng các nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương, giải quyết lao động tại địa phương nhằm mang lai hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
ST: PTKD
Nguồn: Tạp chí Công Thương