Sáng 22/11, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tổ chức Lễ phong tặng Nghệ nhân và các danh hiệu Làng nghề Việt Nam lần thứ X - năm 2022.

Trong những năm gần đây, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỷ USD (năm 2015) lên đến 2,23 tỷ USD (2019), khả năng có thể đạt gần 4 tỷ USD vào năm 2025.

Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, sự phát triển của các ngành nghề truyền thống Việt Nam hiện nay không chỉ có vai trò nâng cao mức sống cho người dân mà còn là dấu ấn truyền thống văn hóa dân tộc qua mỗi thời kỳ. Đó là kho tàng văn hóa quý giá rất cần được gìn giữ và bảo tồn.

Những năm đầu của thế kỷ XXI này đã xuất hiện nhiều nghệ nhân, doanh nhân xuất chúng… những con người quy tụ ở họ gần như toàn bộ vốn liếng và tài năng sáng tạo của cộng đồng về một hay vài lĩnh vực nào đó của văn hóa. Những người này đã tự mình sáng tạo hoặc chắt lọc, sáng tạo của cả cộng đồng, góp phần bổ sung, làm giàu thêm cho bản sắc văn hóa cộng đồng. Tổ chức giáo dục, khoa học, văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO đề nghị tặng họ danh hiệu “Báu vật nhân văn sống” của nhân loại, còn chúng ta phong tặng họ là Nghệ nhân.

Cũng theo ông Dần, hiện nay, đang có một đội ngũ nghệ nhân lâu năm, giàu kinh nghiệm nắm giữ gia tài nghề truyền thống của cha ông để lại. Họ thật sự là nòng cốt nuôi sống làng nghề, tạo dựng thương hiệu cho làng nghề phát triển. Họ rất tâm huyết với nghề, vượt qua mọi khó khăn, vất vả dành cả cuộc đời cho nghề. Với bàn tay tài hoa, óc sáng tạo, họ đã lưu giữ được tất cả những tinh túy của nghề truyền thống, có công lớn trong việc giữ nghề, với bao công sức của nghệ nhân mà trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề truyền thống thể hiện rõ nét tinh hoa văn hóa dân tộc vẫn tồn tại đến ngày nay.

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được Nhà nước cho phép vinh danh và tôn vinh các nghệ nhân. Lễ phong tặng các danh hiệu làng nghề Việt Nam là hoạt động định kỳ của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 2007. Sau 9 lần tổ chức đến nay, hiệp hội đã vinh danh được 72 làng nghề tiêu biểu, 835 nghệ nhân làng nghề Việt Nam, 72 đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu, 95 sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề tiêu biểu, 52 thợ giỏi làng nghề Việt Nam, 115 Bảng vàng gia tộc. 76% nghệ nhân làng nghề được hiệp hội vinh danh Nghệ nhân làng nghề Việt Nam được Chủ tịch nước Phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân.

Riêng lần Vinh danh các danh hiệu làng nghề Việt Nam lần thứ X năm 2022, hiệp hội đã tiếp nhận hơn 300 hồ sơ gửi về từ các tỉnh thành trong cả nước. Có nhiều làng nghề nổi tiếng như: Làng nghề gốm Bát Tràng, Giang Cao, Kim Lan, rèn Đa Sỹ, mây tre Phú Vinh, mộc Thiết Ứng, mộc Vân Hà, mộc Sơn Đồng, đồng Đại Bái, đồng Lộng Thượng,… thuộc các tỉnh thành trong cả nước: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Cao Bằng, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Vĩnh Long,…

Hội đồng xét tặng đã xét tặng cho 01 Làng nghề văn hóa du lịch tiêu biểu, 187 Nghệ nhân làng nghề Việt Nam, 16 Nghệ nhân văn hóa nghệ thuật ẩm thực làng nghề Việt Nam, 3 bảo vật tinh hoa làng nghề Việt Nam, 6 sản phẩm thủ công mỹ nghệ Tinh hoa làng nghề Việt Nam, 9 Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam, 16 Thợ giỏi làng nghề Việt Nam. Con số này cho thấy uy tín và chất lượng phong tặng danh hiệu nghệ nhân của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đóng góp số lượng, chất lượng đội ngũ Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân qu tú của Nhà nước phong tặng.

Hội đồng xét tặng các danh hiệu gồm 11 thành viên là các chuyên gia làng nghề, các nhà nghiên cứu khoa học có uy tín. Bên cạnh là Ban thư ký Hội đồng có 5 thành viên đã làm việc rất tâm huyết, trách nhiệm và khoa học để chọn ra 237 hồ sơ đáp ứng được các tiêu chí xét tặng và vinh dự nhận bằng vinh danh trong lần này.

Hoạt động tôn vinh làng nghề và nghệ nhân của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã có tác dụng rất lớn trong việc bảo tồn, xây dựng và phát triển làng nghề, chăm sóc nghệ nhân làng nghề, gìn giữ và phát triển tinh hoa của nghề truyền thống.

Ở danh hiệu cấp Quốc gia, Nhà nước đã phong tặng Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú cho 22 Nghệ nhân nhân dân, 192 Nghệ nhân ưu tú, trong đó có 15 Nghệ nhân nhân dân, 135 Nghệ nhân ưu tú là nghệ nhân làng nghề, hội viên của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.

Lễ phong tặng các danh hiệu làng nghề Việt Nam lần thứ X có ý nghĩa tăng sức cho các làng nghề đi vào những thử thách của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018 - 2023 với chủ đề: “Kết nối cộng đồng làng nghề, Bảo tồn văn hóa, Phát triển du lịch, Hội nhập quốc tế”.

Theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: “Muốn giữ nghề thì Nhà nước, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn đến các nghệ nhân, sớm hoàn thiện các quy định về chế độ ưu đãi, công nhận danh hiệu nghệ nhân cho họ. Các nghệ nhân là báu vật của các làng nghề nhưng việc đãi ngộ đối với họ chưa được tương xứng, cụ thể là việc công nhận và phong tặng danh hiệu nghệ nhân chưa được thực hiện tốt. Rất nhiều nghệ nhân tới già, thậm chí đến lúc mất, vẫn chưa được công nhận”.

Làng nghề Việt Nam có lịch sử truyền thống lâu đời tồn tại và phát triển theo thăng trầm cùng với lịch sử đất nước. Làng nghề là nơi sản sinh và lưu trữ những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, có hàm lượng văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc, hội tụ những tinh hoa văn hóa Việt Nam được bồi đắp theo bề dày lịch sử. Các làng nghề không chỉ tạo ra sản phẩm cho xã hội, đóng góp vào kinh tế phát triển đất nước mà còn tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động, góp phần nâng cao đời sống của người dân, nhất là khu vực nông thôn. Các sản phẩm xuất khẩu của làng nghề không chỉ là xuất khẩu hàng hóa mà còn góp phần quảng bá nền văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hiệp hội đã cùng hội viên cả nước tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cũng là thiết thực hướng tới kỷ niệm 18 năm thành lập Hiệp hội Làng nghề Việt Nam 2005 - 2023.

Theo Báo Công Thương