Trong những năm qua, xuất nhập khẩu đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới của đất nước. Xuất khẩu đã trở thành một trong những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người dân. Nền kinh tế mở gắn liền với hoạt động xuất, nhập khẩu.
Hoạt động nhập khẩu làm cho nền kinh tế đa dạng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và phát triển sản xuất. Hoạt động xuất khẩu đóng góp về nhiều mặt, trực tiếp làm tăng giá trị sản xuất, gián tiếp thúc đẩy phát triển ngành liên quan, nâng cao trình độ sản xuất trong nước đáp ứng theo tiêu chuẩn nước nhận xuất khẩu, nâng cao trình độ lao động.
Phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý của Việt Nam thời gian qua là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Chính phủ, luôn gắn liền với chủ trương về hội nhập quốc tế về kinh tế của đất nước và quá trình tự do hóa thương mại. Đại hội Đảng lần thứ VIII năm 1996 đã xác định “xây dựng một nền kinh tế mới hội nhập với khu vực và thế giới, hướng mạnh về xuất khẩu”. Văn kiện Đại hội XI của Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011-2020 yêu cầu những nhiệm vụ đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu trong thời kỳ mới có nêu: "Đa dạng hoá thị trường ngoài nước, khai thác có hiệu quả các thị trường có hiệp định mậu dịch tự do và thị trường tiềm năng, tăng nhanh xuất khẩu, giảm nhập siêu cả quy mô và tỉ trọng, phấn đấu cân bằng xuất nhập khẩu". Sau đó, Đại hội Đảng XII tiếp tục khẳng định : "Đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa vào cả vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước”. Tại Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược xuất nhập  khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ Quan điểm chiến lược:
a) Phát triển sản xuất để tăng nhanh xuất khẩu, đồng thời đáp ứng nhu cầu trong nước; khai thác tốt lợi thế so sánh của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh xuất nhập khẩu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết việc làm và tiến tới cân bằng cán cân thương mại.
b) Xây dựng, củng cố các đối tác hợp tác chiến lược để phát triển thị trường bền vững; kết hợp hài hòa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của quốc gia, lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị - đối ngoại, chủ động và độc lập tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế.
c) Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Tích cực và chủ động tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng xây dựng và phát triển hàng hóa có giá trị gia tăng cao, có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Với những trọng tâm trong chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, phát triển xuất  khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý của Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trong đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và khai thác có hiệu quả thành tựu của quá trình hội nhập về kinh tế, cụ thể:
Thứ nhất, quy mô thương mại của Việt Nam ngày càng lớn, lần đầu tiên vượt mức 500 tỷ USD vào năm 2019, đạt mức xuất siêu kỷ lục (10,87 tỷ USD). Theo WTO, trong năm 2018, ta đứng vị trí thứ 26 về quy mô xuất khẩu (đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Thái Lan và Malaysia) và thứ 23 về quy mô nhập khẩu (đứng thứ 2 trong ASEAN, sau Thái Lan) với một số một số mặt hàng xuất khẩu  đứng trong nhóm 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới như nhóm hàng về thiết vị văn phòng và viễn thông (thứ 9), dệt (thứ 8), quần áo (thứ 4)…. Cùng với tiêu dùng nội địa, xuất khẩu đã cho thấy vai trò quan trọng, là trụ cột trong tăng trưởng, đặc biệt trong giai đoạn 2016-2020.
Thứ hai, năng lực cạnh tranh xuất khẩu ngày càng được củng cố. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta có vị trí quan trọng trong xếp hạng thành tích xuất khẩu của thế giới. Nếu như năm 2007, Việt Nam chỉ có 11 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD thì đến hết năm 2011, Việt Nam có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu; đến năm 2019 là 32 mặt hàng, chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thứ ba, chuyển dịch cơ cấu xuất nhập khẩu ngày càng tích cực và hướng vào lõi công nghiệp hóa. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng giảm hàm lượng xuất khẩu thô (từ 11,6% năm 2011 xuống 1,6% năm 2019), tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo (từ 63,46% vào năm 2011 lên 88,33% vào năm 2019). Cơ cấu thị trường xuất khẩu có sự chuyển dịch theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; cơ cấu về thành phần xuất khẩu đã có dấu hiệu tích cực khi xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã có mức tăng trưởng cao vượt khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, công tác kiểm soát nhập khẩu ngày càng hiệu quả hơn, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước, nâng cao năng lực độc lập, tự chủ của nền kinh tế và cân bằng cán cân thương mại. Kết quả là Việt Nam đã dịch chuyển thành công từ một quốc gia liên tục nhập siêu sang xuất siêu trong những năm cuối giai đoạn 2016-2020 với mức thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục vào năm 2019 là 10,87 tỷ USD.
Trong thời gian tới, trên cơ sở những thành tựu đạt được, nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu bền vững trong bối cảnh mới, góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Bộ Công Thương đang tiến hành triển khai xây dựng “Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030”, đồng thời tiến hành đánh giá việc triển khai thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, để ban hành Chiến lược xuất nhập khẩu cho thời kỳ mới.  
Để tiếp tục phát triển xuất khẩu một cách bền vững, trong thời gian tới cần xác định lại vị trí, vai trò của các thị trường xuất nhập khẩu trong xu hướng chuyển dịch mới gắn với từng mặt hàng, từng thị trường. Cùng với đó, tính toán, xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng có lợi thế, đặc biệt là sang các thị trường đã có Hiệp định FTA. Trước mắt, để khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA thế hệ mới trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng, xung đột thương mại đang diễn biến phức tạp, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể trên cơ sở một số định hướng sau:
Một là, tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh. Đồng thời, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam cọ xát hơn nữa với thế giới, có điều kiện để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và khẳng định vị thế mới của mình trên trường quốc tế.
Hai là, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Cụ thể: giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.
Ba là, triển khai áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế đối với các sản phẩm xuất khẩu: xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đối với hàng hóa xuất khẩu. Xây dựng năng lực của tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ việc đánh giá sự phù hợp các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn riêng đối với hàng hóa xuất khẩu.
Bốn là, nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, tập trung vào các hàng hóa có lợi thế xuất khẩu, các thị trường tiềm năng và các thị trường ngách để mở ra các thị trường mới nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng sản phẩm xuất khẩu đạt thương hiệu quốc gia và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp ở thị trường trong nước và tại các thị trường xuất khẩu.
Năm là, tăng cường công tác theo dõi, nghiên cứu diễn biến chính sách và phân tích tác động tới sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam để có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp. Đồng thời đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm để có biện pháp cần thiết, hạn chế thiệt hại từ các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu.
Sáu là, tạo lập một chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, bắt đầu từ các doanh nghiệp cung cấp các yếu tố đầu vào cho sản xuất đến các doanh nghiệp thương mại tiêu thụ sản phẩm, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động xuất khẩu. 
Với các kết quả đã đạt được, cùng với sự chỉ đạo, định hướng kịp thời, sát sao của Chính phủ, trong thời gian tới, chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng rằng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện tốt chủ trương nâng cao hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

 

 

Theo moit.gov.vn