Chiều ngày 21/02/2019, tại Bộ Công Thương đã diễn ra Chương trình Tọa đàm tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời ký quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trọng tâm là giai đoạn 10 năm (2011-2020).

  
GS. TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; GS. TS Phùng Hữu Phú, nguyên UVTW Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐLLTW, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Cương lĩnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì Tọa đàm.

Cùng tham gia Tọa đàm, về phía Bộ Công Thương còn có Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Lãnh đạo Đảng ủy Bộ Công Thương, Công đoàn Công Thương Việt Nam, Văn phòng Ban chỉ đạo hội nhập quốc tế về kinh tế, Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Thị trường trong nước, Cục Công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Xuất nhập khẩu...

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu vấn đề, tại Tọa đàm này, Đoàn sẽ chủ yếu lắng nghe Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương chia sẻ những vấn đề của Bộ trong quá trình triển khai, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội 10 năm qua; nhìn nhận, làm rõ những gì đã làm được; những vấn đề còn tồn tại, bất cập; định hướng trong giai đoạn phát triển tiếp theo; từ đó xác định rõ lộ trình phát triển. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị: "các đồng chí nên xem lại quy hoạch phát triển công nghiệp, trong điều kiện mới phải có tư duy thay đổi, bởi vì, phát triển công nghiệp không thể dựa trên tư duy truyền thống".

Qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh, đặc biệt, trong 10 năm trở lại, nền kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực, đáng tự hào; song, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương vẫn nhấn mạnh, khi định vị trong sự phát triển của thế giới, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nêu vấn đề, với mục tiêu đến giữa thế kỷ, Việt Nam là nước công nghiệp thì ngành công nghiệp nào, lĩnh vực nào được coi là mũi nhọn.

Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tổng kết, bao trùm lên tất cả thành công sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII của Bộ Công Thương chính là thành công của công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn liền với cải cách thủ tục hành chính và triển khai dịch vụ công trực tuyến theo hướng tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.

Theo Bộ trưởng, từ những kết quả ngành Công Thương triển khai thành công trong những năm qua, có một số bài học lớn được rút ra như sau:

Thứ nhất, đó là sự thay đổi nhận thức một cách sâu sắc về quan điểm phát triển của các ngành, lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý, bám sát và thực hiện triệt để, quyết liệt các chủ trương, đường lối của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Trong công nghiệp, đó là việc tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ cấu lại các động lực phát triển trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo; đồng thời tạo ra các động lực tăng trưởng mới với việc tham gia của khu vực kinh tế ngoài nhà nước...

Về xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế mới nổi có mực độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới. Đây là thành quả của việc Việt Nam đã chuyển dịch về hội nhập theo hướng tiếp cận ở trình độ cao hơn với việc tham gia đàm phán và ký kết các FTA thế hệ mới với các cam kết sâu hơn, đa dạng hơn so với các FTA trước đây. Đáng ghi nhận là Việt Nam đã thực hiện từng bước dịch chuyển từ quốc gia nỗ lực tham gia hội nhập sang thành quốc gia dẫn dắt quá trình hội nhập với việc chủ động tham gia đàm phán với các nước khác về việc hình thành các khu vực thương mại tự do.

Thương mại nội địa đã trở thành trụ cột quan trọng của phát triển ngành với sức mạnh của thị trường gần 100 triệu dân có thu nhập ngày càng cao. Đáng lưu ý là Việt Nam đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong phát triển thương mại điện tử với sự hỗ trợ của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và sự phát triển của hệ thống điện thoại thông minh.

Thứ hai, thay đổi về tư duy, nhận thức trong quản lý, điều hành hoạt động của ngành Công Thương từ nhà nước quản lý sang nhà nước kiến tạo, từ tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách hành chính ngành Công Thương, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước của ngành Công Thương theo hướng Chính phủ điện tử, thực hiện cải cách mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước... Thường xuyên quán triệt, tập trung chỉ đạo, tổ chức các hoạt động tăng cường nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp về phát triển ngành Công Thương để tạo lập được nhận thức chung và quyết tâm hành động thống nhất trong toàn hệ thống chính trị của Ngành.

Tại Tọa đàm, đại diện 05 đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng đã có 05 báo cáo chuyên đề về các vấn đề như: công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển thị trường trong nước gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn; hội nhập kinh tế Việt Nam; mở rộng thị trường xuất khẩu Việt Nam; ngành điện đồng hành với nhu cầu phát triển của đất nước.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đánh giá các báo cáo của Bộ Công Thương tại Tọa đàm rất có ý nghĩa, lan tỏa được tinh thần từ Cương lĩnh đến việc đẩy mạnh công nghiệp hóa và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Một vấn đề được Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tâm đắc là các báo cáo của Bộ Công Thương nêu tại Tọa đàm đều có những phân tích, nhận định xu hướng trong thời gian tới. Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, cần phải nâng cao khả năng phân tích, dự báo của các cơ quan tham mưu, xây dựng chính sách.

 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định tại Tọa đàm, Lãnh đạo Bộ và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương trong công tác tổng kết Cương lĩnh và làm rõ những nội hàm mới nhằm bảo đảm các Nghị quyết của Trung ương thực sự đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển và vị thế mới của đất nước trong các thập niên tiếp theo.

 

TBT (kconline)