Các hoạt động khuyến công đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là lĩnh vực CNNT. Đặc biệt, hỗ trợ các cơ sở CNNT, DN đầu tư, ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất nhằm khai thác tài nguyên, thiên nhiên một cách khoa học, hiệu quả, tạo việc làm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường và phục vụ xuất khẩu.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Diễn – Phó GĐ Phụ trách Trung tâm Khuyến công (TTKC) tỉnh Thái Bình cho biết: Những năm qua, công tác khuyến công đã tích cực góp phần phân công lại lao động xã hội khu vực nông thôn, đưa công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp về nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và khu vực nông thôn nói riêng trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Tuy nhiên, hoạt động khuyến công còn gặp những bất cập trong quá trình thực hiện như: Việc đăng ký thực hiện đề án nhưng phải điều chỉnh do đơn vị thụ hưởng gặp khó khăn về tài chính, phải thay đổi phương án đầu tư máy móc, thiết bị; nguồn kinh phí hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp, mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn còn hạn chế; nhiều đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công chưa tiếp cận đầy đủ thông tin và chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp;…
Theo báo cáo kết quả thực hiện chương trình khuyến công giai đoạn năm 2012 - 2022, Khuyến công Thái Bình đã tổ chức thực hiện 466 chương trình, đề án khuyến công, với tổng kinh phí thực hiện là 381.817,87 triệu đồng, Trong đó: Khuyến công Quốc gia hỗ trợ kinh phí là 19.332,5 triệu đồng cho 54 chương trình, đề án khuyến công; khuyến công địa phương hỗ trợ 52.661 triệu đồng cho 412 chương trình, đề án khuyến công; kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng là 309.824,37 triệu đồng.
Ông Trần Ngọc Phúc – Phó GĐ Sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, TTKC tỉnh Thái Bình đã làm tốt công tác khuyến công, đem lại nhiều lợi ích cho các cơ sở CNNT, DN. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số bất cập cần tháo gỡ. Do vậy, Sở Công Thương đề xuất đưa ra ba giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý một cách hiệu quả hoạt động khuyến công trong thời gian tới.
Một là, thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách của tỉnh trong lĩnh vực khuyến công. Chủ động đề xuất điều chỉnh khi xây dựng Kế hoạch khuyến công hàng năm phù hợp với thực tế để nâng cao hiệu quả của Chương trình, trong đó, tập trung vào các nội dung mới có sức lan tỏa và tác động lớn đến phát triển CNNT.
Hai là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công, từng bước kiện toàn bộ máy làm công tác khuyến công từ tỉnh đến cơ sở; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, các tổ chức có liên quan trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức thực hiện các đề án khuyến công đảm bảo đúng quy định và đạt hiệu quả.
Ba là, nâng cao chất lượng trong việc lựa chọn các DN, cơ sở CNNT được thụ hưởng các chương trình khuyến công; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện đề án khuyến công đảm bảo nguồn kinh phí khuyến công được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích và đúng quy định của pháp luật.
Nguồn: Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng