DOANH NGHIỆP - LÀNG NGHỀ
Làng nghề truyền thống ở khu vực miền Bắc trong thời Covid-19 giống như một bức tranh tương phản. Những làng sản xuất thực phẩm bỗng nườm nượp khách hàng, hàng làm ngày làm đêm vẫn không đủ bán, trong khi nhiều làng trước nhộn nhịp cùng sự phát triển của ngành du lịch nay chịu cảnh đìu hiu, cầm cự chờ qua dịch.

Làng làm không hết việc
Những ngày diễn ra dịch Covid-19 này, điện thoại của ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ mỳ gạo chũ Nam Thể (thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) liên tục đổ chuông, do khách hàng từ khắp các tỉnh gọi điện thoại đặt mua hàng.

Ông Nam cho hay, đến giữa tháng 4, mặt hàng mỳ gạo chũ Lục Ngạn mới tạm thời "cung đủ cầu". Theo lời ông Nam, suốt cả tháng 3 làng nghề làm mỳ chũ ở thôn Thủ Dương luôn trong tình trạng không có hàng để bán vì nguồn cung có hạn nhưng lượng cầu thì nhiều gấp đôi ba lần.
Đặc biệt, lượng đơn hàng còn nhiều hơn từ sau khi thông tin về bệnh nhân số 17 nhiễm Covid-19 được công bố. Cư dân địa phương quá lo lắng dịch bệnh lan rộng nên muốn mua thực phẩm dự trữ. Người đặt mua hàng nhiều đến nỗi làng nghề phải chọn hình thức bán hàng phân phối - chia hàng ra bán cho mỗi người buôn một ít.

“Nhiều xe tải của các tỉnh nối đuôi nhau đến làng nghề, thậm chí phải ăn chực nằm chờ để lấy hàng nhưng hợp tác xã Nam Thể lúc ấy chỉ cung cấp được nửa xe, vì còn dành phần để bán cho các mối quen khác nữa. Bán được nhiều hàng thì vui nhưng không ngờ ở thời buổi kinh tế thị trường này mà mỳ chũ lại được bán kiểu phân phối như thế. Làng nghề chưa bao giờ xảy ta tình trạng cháy hàng như vậy”. Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ mỳ gạo chũ Nam Thể.
                                        
 Ngoài làm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ mỳ chũ Nam Thể, ông Nam cũng là Phó Chủ tịch Hội sản xuất và tiêu thụ mỳ chũ Lục Ngạn. Ông cho biết, làng nghề với khoảng 300 hộ dân (thuộc tám hợp tác xã) đều tham gia sản xuất, nhà nào cũng phải huy động tối đa lực lượng nhân công làm việc, tăng ca để nâng công suất lên gấp đôi, gấp ba so với trước. Những ngày nắng ráo, thời tiết thuận lợi cho phơi mỳ, Hợp tác xã Nam Thể có thể sản xuất được trên 5 tấn mỳ. Các hợp tác xã khác cũng có công suất tương tự.
Ông Nam cho hay, mặc dù hàng làm không đủ bán nhưng mỳ chũ không tranh thủ tăng giá bán để giữ uy tín. Nếu giá bán mỳ chũ đến tay người tiêu dùng cao hơn so với bình thường là do người buôn bán trung gian tự đẩy giá để kiếm lời cao hơn.
Không chỉ làng làm mỳ chũ, các làng nghề làm bún Phú Đô, phường Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng làm không hết việc, sản lượng tăng gấp 2-3 lần kể từ khi dịch bệnh xảy ra. Khác với loại mỳ chũ có thể mua tích trữ ăn dần, bún là thứ phải dùng ngay trong ngày. Vậy mà dịch bệnh xảy ra, loại thực phẩm dùng trong ngày như bún lại đắt hàng bất chấp các quán bún ngoài phố có đóng cửa vì dịch bệnh.
Chị Nhàn, một trong những người bán bún lâu năm ở chợ Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết gia đình chị có nghề làm bún ở làng Phú Đô. Khi chưa có dịch Covid-19, thông thường mỗi ngày chị bán được 1 tạ bún, nhưng từ khi có Covid, tiếp đến là giãn cách xã hội để chống dịch, chị bán được 2-3 tạ bún mỗi ngày.    "Mà không phải chỉ có mình tôi, làng bún Phú Đô này nhà nào cũng đắt hàng, cũng như nhà tôi, phải tăng hết công suất", chị Nhàn chia sẻ.

Nghề bún của làng Phú Đô đã nổi tiếng Hà thành từ hàng trăm năm nay. Toàn làng nghề có khoảng 500 hộ gia đình trực tiếp sản xuất bún và bán buôn hoặc mang bán lẻ tại khắp Hà Nội. Riêng tại các chợ lớn tại Hà Nội mỗi chợ có đến hàng chục quầy bán bún Phú Đô.
Ngoài mỳ chũ Nam Thể, Lục Ngạn và bún Phú Đô, các làng nghề sản xuất thực phẩm khác như miến dong Lại Trạch (Hưng Yên), Cự Đà (Hà Tây), Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội)… cũng làm không hết việc mùa dịch Covid-19 do nhu cầu mua thực phẩm tích trữ của người dân.

Làng thiếu việc “ngủ đông”

Khác hẳn với việc làm ăn phát đạt, phải hoạt động hết công suất như các làng nghề sản xuất thực phẩm, phần lớn các làng nghề ở miền Bắc gặp cảnh lao đao vì dịch. Nặng thì thất thu, lỗ vốn, nhẹ thì phải đóng cửa hoặc hoạt động èo uột chờ hết dịch.
Khi bắt đầu xảy ra dịch Covid-19, các gia đình trồng hoa ở làng hoa Tây Tựu (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn còn túc tắc bán được hàng. Nhưng kể từ khi thực hiện lệnh giãn cách xã hội chống dịch Covid-19, lượng người ra đường giảm, các cửa hàng trên phố kể cả hàng hoa đều phải đóng cửa thì lượng hoa tiêu thụ giảm mạnh.

Từ đầu tháng 4 này, nhiều gia đình ở làng hoa này phải cắt bỏ hoa hồng, cúc, đồng tiền… để giữ gốc. Không ít gia đình mất trắng cả vụ hoa ly vì hoa nở nhưng không bán được. Nhiều hộ đã thiệt hại vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Người làng Tây Tựu (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã phải cắt bỏ những hồng, những cúc, đồng tiền... chỉ để giữ gốc. Nhiều nhà trồng hoa mất trắng cả vụ ly vì không có người mua. Hoa ly tính bằng vạn gốc, hoa cúc tính bằng chục vạn gốc... tất cả biến thành rác vì không có người mua. Dịch bệnh kéo dài, những người trồng hoa chết dở.

Theo chị Lưu Thị Nguyệt, một người trồng hoa ở Tây Tựu, cho biết nhà chị chuyên trồng hoa ly. Covid-19 làm cho hoa không có người mua. Tính ra vườn nhà chị có 2 vạn gốc hoa ly thì thì tổng thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Để vớt vát tình hình, chị bán hàng qua mạng nhưng lượng hoa bán được cũng rất ít.

Còn chị Hoàng Thị Loan, chủ một vườn trồng hoa cúc ở Tây Tựu cho hay, nhà chị có hơn 10 vạn gốc hoa cúc và loa kèn nhưng đến nay mới chỉ bán đi được nửa số hoa trong vườn. Hoa đẹp thì mới bán được, hoa xấu thì vứt bỏ.

Rất buồn bã, chị Loan nói: “Bây giờ thu hoạch hoa cúc kim cương ở vườn về bán qua mạng cũng chỉ được 60.000 đồng 1 bó 50 cành để gỡ vốn. Cùng vào thời điểm này năm trước, hôm nào nhà tôi cũng cắt hàng nghìn bông hoa loa kèn cho thương lái mà cũng không xuể. Năm nay giá xuống còn hơn một nghìn mỗi bông tại vườn mà cũng không có người đến mua. Dịch bệnh kéo dài thì những người trồng hoa chết dở”.

Trước khi có dịch bệnh, giá hoa bán khá cao và chơi hoa là nhu cầu thường nhật của nhiều gia đình, cơ quan. Các chủ vườn hoa Tây Tựu giao buôn hoa cho người bán lẻ tại Hà Nội và đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định. Nhưng hiện tại các chủ vườn chỉ bán được một số lượng ít hoa quanh khu vực Hà Nội và bán qua mạng. Còn các tỉnh thì hiện tại không bán được vì đang trong thời gian cách ly xã hội.

Hằng ngày đều đăng tin bán hoa trên Facebook, chị Loan được sự ủng hộ của người quen và bạn bè. Chồng chị từ một người trồng hoa chính hiệu, nay cũng trở thành người phân phối đơn hàng kiêm giao hàng.

Hiện làng hoa Tây Tựu có diện tích trồng hoa khoảng 720 héc ta. Đây là làng nghề trồng hoa có tuổi đời hàng trăm năm với vài trăm gia đình sinh sống bằng nghề này.

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 ki-lô-mét, làng gốm Bát Tràng thường ngày vẫn đông đúc du khách trong và ngoài nước và giao thương buôn bán. Nhưng làng gốm lúc có Covid như bây giờ trái ngược với khung cảnh khách du lịch kéo về nườm nượp thường ngày, khiến ai người yêu Bát Tràng cũng chạnh lòng. Hầu hết các gian hàng dọc hai bên đường và trong chợ Bát Tràng đều vắng bóng khách tới tham quan, mua sắm. Hàng loạt các gian hàng đóng cửa, chỉ có một vài gian hàng mở cửa cầm cự để giữ mối và tập trung vào bán qua mạng, giảm giá bán sản phẩm, nhiều cửa hàng miễn phí giao hàng tại nhà.

Người dân làng gốm này cho biết, ngày thường làng Bát Tràng thu hút vài chục xe ô tô 45 chỗ chở các đoàn khách du lịch đến tham quan, mua sắm nhưng nay vắng hoe. Trong khi đó làng gốm này thường đông đúc vào những tháng đầu năm.
Ông Đinh Văn Phúc, chủ một cơ sở sản xuất tại làng gốm Bát Tràng, cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động giao thương ở làng nghề này gần như tê liệt. Do đó việc sản xuất ngừng trệ, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Các đầu mối bán hàng trong nước giao dịch cũng rất chậm, những đơn đặt hàng từ nước ngoài thì chững lại.Vì thế các cơ sở sản xuất phải cho công nhân nghỉ làm gần hết. Sản lượng làm ra rất thấp, chỉ bằng 1/3 so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, các cơ sở chỉ duy trì sản xuất nhỏ giọt.

Mặc dù dịch bệnh đang diễn biến khó lường, song ông Phạm Văn May, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng nhìn nhận khá tích cực, đây cũng là giai đoạn để các doanh nghiệp, hộ sản xuất rà soát lại quy trình, vừa ổn định sản xuất, vừa nghiên cứu các mẫu mã mới để những tháng cuối năm có điều kiện sản xuất tốt hơn. Đây có thể là thời điểm cần đẩy mạnh tìm kiếm những vùng nguyên liệu mới, nâng cao kỹ thuật sản xuất, tìm thêm thị trường đầu ra cho sản phẩm...

Làng gỗ Đồng Kỵ đóng cửa, sản xuất giảm 80%

Đồng Kỵ (Bắc Ninh) cũng là một trong những làng nghề gỗ truyền thống nổi tiếng với khoảng 1.500 hộ gia đình tham gia sản xuất phục vụ tiêu dùng nội địa. Nhưng hiện toàn bộ hệ thống cửa hàng ở đây phải đóng cửa, các cơ sở dừng sản xuất vì không có đầu ra. Theo ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ, hoạt động sản xuất của làng nghề này sụt giảm khoảng 80% so với thời điểm trước dịch.
Trước những khó khăn về đầu ra sản phẩm do dịch Covid- 19, một số cơ sở kinh doanh tại Đồng Kỵ cũng đẩy mạnh bán hàng qua mạng với mong muốn bán được hàng. Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ đã thành lập nhóm trên zalo,viber và facebook… để kết nối các hộ gia đình sản xuất, thương mại, cung cấp nguyên liệu đầu vào với gần 200 thành viên. Các thành viên trong nhóm thường xuyên chia sẻ các mặt hàng mà hộ mình làm ra, chào giá bán trên nhóm và nhờ các thành viên trong nhóm kết nối với người mua có nhu cầu.
Lụa Vạn Phúc tìm đường lên web
Cũng nằm cách trung tâm Hà Nội không xa, lụa Vạn Phúc là làng nghề thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Nhưng khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, khi hoạt động du lịch đóng băng, làng lụa Vạn Phúc cũng gần như tê liệt. Tất cả các cửa hàng phải đóng cửa theo yêu cầu của Chính phủ. Một số chủ cửa hàng cũng chuyển sang bán hàng trực tuyến qua Facebook, trang web…  

Theo số liệu của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, miền Bắc có hơn 1.000 làng nghề truyền thống thu hút hàng trăm nghìn lao động. Trong khi đó chỉ có một số làng nghề sản xuất thực phẩm thì ăn nên làm ra ngay cả thời kỳ dịch bệnh. Còn lại phần lớn người dân các làng nghề khác đều cầu mong cho dịch bệnh sớm qua để họ ổn định sản xuất, duy trì cuộc sống mưu sinh.

                                                                                                                           Nguồn: Thesaigontimes.vn