Ngày 30/9/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1766/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề tại địa phương, giai đoạn 2022 - 2030.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ bảo tồn và phát triển 17 làng nghề, làng nghề truyền thống và 01 nghề truyền thống; Phát triển mới 04 làng nghề, làng nghề truyền thống; toàn tỉnh có 35 làng nghề; trong đó có 20 làng nghề được công nhận; Tăng thu nhập bình quân của lao động làng nghề lên từ 2 đến 4 lần so với sản xuất thuần nông; Tỷ lệ lao động trong làng nghề được đào tạo nghề tăng lên từ 10% đến 20%; Phấn đấu có 05 sản phẩm của làng nghề tham gia chương trình OCOP và được công nhận sản phẩm cấp tỉnh (3 đến 4 sao).

Mục tiêu giai đoạn 2026-2030 sẽ bảo tồn và phát triển 12 làng nghề, làng nghề truyền thống và 02 nghề truyền thống; Phát triển mới 04 làng nghề, làng nghề truyền thống; toàn tỉnh có 39 làng nghề, trong đó có 24 làng nghề được công nhận; Tăng thu nhập bình quân của lao động làng nghề lên từ 4 đến 6 lần so với sản xuất thuần nông; Tỷ lệ lao động trong làng nghề được đào tạo nghề tăng lên từ 20 đến 30%; Phấn đấu có 07 sản phẩm của làng nghề tham gia chương trình OCOP và được công nhận sản phẩm cấp tỉnh (3 đến 4 sao).

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Lâm Đồng sẽ rà soát, thành lập danh mục các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống cần được bảo tồn và phát triển; trong số đó, ưu tiên các nghề có nguy cơ mai một thất truyền; làng nghề gắn với du lịch, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên; bảo tồn và phát triển các giống hoa quý hiếm và đặc sắc của thành phố Đà Lạt; làng nghề mới có tiềm năng phát triển và có sự lan tỏa.

Hoài Nam - TTCN