Năm 2024, tổng kinh phí thực hiện chương trình khuyến công địa phương là 3.780 triệu đồng, trong đó: kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 2.178 triệu đồng, vốn đối ứng của các đơn vị thụ hưởng 1.800 triệu đồng cho 04 nội dung hoạt động khuyến công của 12 đề án.
Kết quả đến thời điểm này nội dung “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp” đang triển khai cho 08/11 đề án, trong đó đã ký hợp đồng thực hiện 05 đề án; nội dung “Tổ chức bình chọn công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp tỉnh” đã tiến hành tổ chức bình chọn cho 50 sản phẩm/bộ sản phẩm của 32 cơ sở CNNT tham gia, kết quả 35 sản phẩm đạt cấp tỉnh và 15 sản phẩm tham gia khu vực; đã tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2024 do Cục Công thương địa phương tổ chức; tổng hợp lập danh mục đăng ký đề án khuyến công các địa phương, xây dựng kế hoạch năm 2025.
Theo Bà Nguyễn Thị Bích Thu - Giám đố Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Gia Lai cho biết: Việc đưa các sản phẩm CNNT của tỉnh tham gia tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực là cơ hội để tuyên truyền, quảng bá rộng rãi sản phẩm của địa phương, doanh nghiệp đến với các vùng miền trên khắp cả nước. Đa số các đơn vị thụ hưởng được hỗ trợ vốn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại đã tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, tạo động lực cho các cơ sở, các doanh nghiệp tiếp tục phát triển; mặt khác, thông qua các hội thảo, hội nghị, hội chợ, triển lãm… giúp các cơ sở CNNT kết nối, quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh tiệu thụ và giảm chi phí trong sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bà Nguyễn Thị Bích Thu cũng ghi nhận: Hoạt động khuyến công trên địa bàn luôn bám sát mục tiêu, nội dung chương trình khuyến công từng giai đoạn, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề có lợi thế của địa phương. Ngành nghề được hỗ trợ gắn trực tiếp với nguồn nguyên liệu, lao động tại địa phương, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh trạnh của sản phẩm.
Các hoạt động khuyến công, đặc biệt là hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, giúp cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng giá trị sản xuất CNNT. Giúp cơ sở CNNT có hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, nhất là sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp nhằm gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Song song với việc hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển sản xuất, phát triển sản phẩm mới, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã tham mưu Sở Công Thương tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2024. Kết quả đã có 35 sản phẩm của 28 đơn vị được công nhận cấp tỉnh; 15 sản phẩm của 13 đơn vị tham gia bình chọn cấp Khu vực.
Đồng thời, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về công tác khuyến công từ Trung ương đến địa phương đã từng bước được hoàn thiện. Công tác quản lý nhà nước về công tác khuyến công được tăng cường. Nhận thức từ các cấp, các ngành và cộng đồng cơ sở, doanh nghiệp về vai trò, vị trí hoạt động khuyến công ngày càng được nâng cao.
Cơ sở nuôi ong Anh Cường Gia là một trong những đơn vị thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023 thông qua đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến mật ong”. Việc hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến góp phần nâng cao công suất chế biến, cải thiện chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp cơ sở tăng doanh thu khoảng 3-6%/năm so với trước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó hoạt động khuyến công vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như: Kinh phí khuyến công quốc gia chưa được bỗ trí vốn cũng ảnh hưởng đến việc đầu tư máy móc và nhu cầu của các đơn vị đã đăng ký; công tác tuyên truyền các chính sách khuyến công tại các huyện vẫn chưa sâu rộng; chưa xây dựng được đội ngũ cộng tác viên khuyến công tại các huyện nên việc xây dựng các đề án khuyến công sát với thực tế địa phương còn rất hạn chế. Cùng với đó, hiện vẫn còn nhiều đối tượng thụ hưởng chưa được tiếp cận về nội dung cũng như thông tin hỗ trợ kinh phí khuyến công; việc tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các huyện, thị xã, thành phố đăng ký tham gia các sản phẩm còn hạn chế về số lượng.
Chính vì thế, để tiếp tục theo dõi bám sát nhiệm vụ đang triển khai và tập chung nhiệm vụ còn lại theo kế hoạch năm đã được duyệt. Trung tâm sẽ triển khai thực hiện nhiệm vụ khuyến công đúng theo quy đinh tại các văn bản hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương. Kịp thời tham mưu với cơ quan chủ quản khắc phục những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn, triển khai để Chương trình khuyến công hằng năm đến với các cơ sở một cách rộng rãi. Bảo đảm cân đối kinh phí khuyến công hằng năm để triển khai thực hiện chương trình một cách hiệu quả nhất. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động khuyến công hằng năm để rút kinh nghiệm cho những năm sau.
Ngoài ra, ngay sau khi kế hoạch khuyến công được ban hành, đơn vị thụ hưởng phải tập trung tổ chức triển khai thực hiện theo đúng nội dung đề án được duyệt, sử dụng kinh phí hiệu quả, đúng dự toán nhằm phát huy hiệu quả của Chương trình. Trung tâm chủ động phối hợp với phòng Kinh tế; phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố để triển khai có hiệu quả các đề án và thực hiện tốt công tác theo dõi, giám sát quá trình triển khai các đề án này đạt kết quả cao.
Đặc biệt, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ các cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu tiểu, sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Nguồn: Tạp chí Công Thương