Hoạt động khuyến công không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận và thấu hiểu chủ trương của Nhà nước về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn mà còn tạo động lực giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Tại Sóc Trăng, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Đó là hoạt động khuyến công của tỉnh Sóc Trăng đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc khuyến khích thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (Trung tâm) thuộc Sở Công Thương Sóc Trăng , giai đoạn 2012 - 2022, tỉnh Sóc Trăng tổ chức thực hiện hoàn thành 2 kế hoạch và 223 đề án khuyến công quốc gia và đề án khuyến công địa phương (2 kế hoạch và 208 đề án) với tổng số tiền gần 94 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 20.253,331 triệu đồng, kinh phí đơn vị thụ hưởng đóng góp là 73.738,019 triệu đồng.

Trong 10 năm qua, bên cạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn có điều kiện đổi mới, ứng dụng máy móc, trang thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Hoạt động khuyến công tỉnh Sóc Trăng còn tập trung hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề; nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Kết quả, đã mở 2 lớp truyền nghề sản xuất các sản phẩm bao bì cho 60 lao động, nhằm đáp ứng nhu cầu lao động cho doanh nghiệp và tạo việc làm cho 60 lao động, với mức thu nhập ổn định trên 3 - 5 triệu đồng/tháng. Tập huấn khởi sự doanh nghiệp 2 lớp cho 76 học viên là sinh viên các trường cao đẳng, các cơ sở công nghiệp nông thôn, các cá nhân đang công tác tại các doanh nghiệp nhằm trang bị cho học viên các kiến thức về kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, hoạt động khởi nghiệp. Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật, qua đó đã giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 2.520 lao động với thu nhập bình quân 3 - 5 triệu đồng/người/tháng; giúp các cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất sản xuất từ 15 - 40%, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong công nghiệp.

Trung tâm còn thực hiện tốt các kế hoạch, đề án tham gia hội chợ ngoài tỉnh nhằm giới thiệu hoạt động công thương Sóc Trăng, đồng thời trưng bày, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh, vận động các doanh nghiệp, cơ sở tham gia hội chợ. Thực hiện bình chọn và cấp giấy chứng nhận nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; hỗ trợ 31 lượt doanh nghiệp, cơ sở đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia. Qua đó, thu hút 45 doanh nghiệp, cơ sở tham gia các kỳ hội chợ với 34 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm; 63 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận cho công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 13 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và 5 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện các đề án thông tin tuyên truyền. Kết quả, đã phối hợp với Báo Sóc Trăng xây dựng 35 chuyên trang; phát hành 200 quyển cẩm nang tổng hợp các văn bản khuyến công; in 5.500 bìa gấp và gửi văn bản trực tiếp đến 2.000 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, nhằm tuyên truyền chính sách khuyến công hỗ trợ phát triển công nghiệp, các nội dung hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; đặt mua và cấp phát 17.750 tờ báo tuyên truyền về hoạt động khuyến công và thực hiện 42 chương trình truyền hình/truyền thanh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện đề án khảo sát, thu thập thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu công nghiệp nông thôn năm 2018 và khảo sát bổ sung năm 2019, kết quả thu thập dữ liệu có 3.209 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trung tâm còn hỗ trợ 3 cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc ngành chế biến thực phẩm thực hiện đề án xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; đề án hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết 2 cụm công nghiệp, nhằm thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất và di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Hoạt động khuyến công còn hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công, tập huấn về hoạt động khuyến công, học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh… Kết quả, tổ chức 17 lớp tập huấn cho 892 lượt cán bộ quản lý nhà nước và các cơ sở công nghiệp nông thôn các văn bản quy phạm pháp luật và chuyên môn về hoạt động khuyến công và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Thực hiện 1.109 lượt kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hoặc đôn đốc, nhắc nhở đơn vị thụ hưởng đẩy nhanh tiến độ để đề án hoàn thành đúng mục tiêu, nội dung và tiến độ. Tổ chức 7 đoàn gồm 79 cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ làm công tác khuyến công đi học tập kinh nghiệm về các mô hình hỗ trợ khuyến công tại các tỉnh: Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, An Giang, Kiên Giang, Long An, Bến Tre, Cà Mau và việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp tại tỉnh Bình Thuận.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, hoạt động khuyến công tỉnh sẽ tập trung ưu tiên hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, các sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; các đề án đảm bảo các yếu tố về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương; ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.

Riêng, trong năm 2023, Sở Công Thương phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2023 trình UBND tỉnh, Bộ Công Thương phê duyệt 2 đề án khuyến công quốc gia và 16 đề án khuyến công địa phương, ước tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng, nhằm giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn được tiếp cận với những công nghệ, sản phẩm và quy trình sản xuất mới; đào tạo lao động có tay nghề; giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động tại các địa phương…

          Nguồn: Tạp chí Làng nghề Việt

Sưu tầm: NTB