Ông NGUYỄN MINH CHÂU - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hải Phòng (Sở Công Thương Hải Phòng):
Ưu tiên xây dựng và triển khai các đề ánứng dụng máy móc
Hiệu quả nổi bật của Chương trình Khuyến công tại Hải Phòng giai đoạn 2016 - 2020 là hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất CN-TTCN. Trên cơ sở đó, trong kế hoạch thực hiện chương trình khuyến công giai đoạn mới, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hải Phòng tiếp tục đảm bảo hoạt động cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp có hiệu quả. Chủ động đề xuất, tham mưu cụ thể hóa các chính sách trong hoạt động khuyến công. Bám sát nội dung Chương trình Khuyến công quốc gia và địa phương trong xây dựng kế hoạch, đề án, đảm bảo tính thiết thực cao, góp phần thúc đẩy phát triển CN-TTCN, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Đồng thời, triển khai hoạt động tư vấn, tập huấn nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác, nỗ lực tìm kiếm và khai thác các nguồn vốn để đẩy mạnh xã hội hóa khuyến công. Tổ chức lớp tư vấn cho các cơ sở CNNT thực hiện liên doanh, liên kết; hợp tác sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường với sản lượng lớn. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển DN vừa và nhỏ. Hỗ trợ đào tạo tay nghề, quản lý; cải tiến mẫu mã, bao gói, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ưu tiên xây dựng và triển khai các đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, nhằm mang lại nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động.
Ông LƯU DUY DẦN - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam:
“Cú huých” thúc đẩy sản xuất công nghiệp nông thôn
Những năm qua, Chương trình KCQG đã tác động trực tiếp đến bảo tồn và phát triền làng nghề. Theo đó, rất nhiều đề án khuyến công đã được triển khai tại các làng nghề trên cả nước, trong đó nhiều doanh nghiệp (DN) làng nghề là chủ thể thực hiện các dự án khuyến công đã đổi mới được công nghệ, thay đổi hoàn thiện mẫu mã sản phẩm... Nhiều sản phẩm làng nghề được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, được đánh giá cao trong những cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu... đó là những “cú huých”, có tác dụng thúc đẩy sản xuất tại các làng nghề.
Chương trình KCQG giai đoạn 2021 - 2025 thể hiện rất rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), mà phần lớn các cơ sở sản xuất nằm trong các làng nghề, làng nghề truyền thống. Bên cạnh những chính sách ưu đãi, việc dành nguồn ngân sách trực tiếp hỗ trợ cho sản xuất CN-TTCN là cơ hội cho các làng nghề tiếp cận được công nghệ tiên tiến. Những đề án dành cho sản xuất thủ công mỹ nghệ có tác dụng trực tiếp tới Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sự phối hợp giữa 2 chương trình sẽ tạo động lực nhân rộng những mô hình tiên tiến, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của các làng nghề trong cả nước... Đồng thời, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam luôn coi việc đồng hành cùng chương trình KCQG là trách nhiệm và sẽ làm “cầu nối” để lan tỏa thành công của chương trình tới các làng nghề, cơ sở CNNT trên cả nước.
Ông ĐÀO HỒNG THÁI - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (Sở Công Thương Hà Nội):
“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển
Giai đoạn 2021-2025, TP. Hà Nội đặt mục tiêu có trên 10.000 lượt DN, cơ sở CNNT được hỗ trợ từ chương trình khuyến công, tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng bình quân 5 - 8%/năm, đạt 550 triệu USD vào năm 2025... Ngoài ra, phấn đấu hỗ trợ 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định; đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng; phấn đấu giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu của các ngành sản xuất...
Để đạt được mục tiêu trên, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến công, việc truyền nghề sẽ gắn với nhu cầu sử dụng lao động tại chỗ của các cơ sở sản xuất CNNT. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất ở các cơ sở CNNT gắn với hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy thiết kế sáng tạo, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên ngành, tổ chức quảng bá, giới thiệu nhãn hiệu sản phẩm; phát triển hệ thống thương mại điện tử, truy xuất thông tin hàng hóa, phát triển kênh bán hàng trực tuyến các sản phẩm CNNT. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ DN nhỏ và sử dụng nhiều lao động, DN có đầu tư công nghệ, có sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ông LÊ PHƯỚC LONG - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Lâm Đồng (Sở Công Thương Lâm Đồng):
“Bứt phá” từ đề án điểm
Lâm Đồng là 1 trong 5 địa phương thực hiện đề án điểm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị của cây cà phê giai đoạn 2018 – 2020. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình Khuyến công đối với ngành chế biến cà phê đã tạo đà cho DN cải tiến kỹ thuật, hiện đại hóa trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sản xuất trong quá trình hội nhập quốc tế, giúp ngành chế biến cà phê trên địa bàn đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả. Để thực hiện hiệu quả hoạt động khuyến công trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khuyến công đến từng DN, cơ sở sản xuất; tập trung đào tạo nghề, các dịch vụ tư vấn, đầu tư sản xuất, xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Tuyên truyền sâu, rộng các hoạt động khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng để DN và cơ sở sản xuất có cơ hội tiếp cận và thụ hưởng hiệu quả chính sách của nhà nước. Tiếp tục đa dạng hóa các nội dung hỗ trợ DN, chú trọng việc nhân rộng mô hình trình diễn, mô hình thí điểm, nhằm tạo sức lan tỏa trong ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất CN-TTCN; đẩy mạnh công tác hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Ông BÙI ĐỨC HẠNH - Phó giám đốc Sở Công Thương Thái Bình:
Thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển
Thực hiện Chương trình KCQG nói chung và Nghị định 68/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) nói riêng, công tác quy hoạch đầu tư hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công Thương, sự phối hợp thực hiện chặt chẽ từ địa phương, bước đầu đạt được kết quả rõ nét. Hiện nay, tỉnh Thái Bình đã quy hoạch 50 CCN, trong đó có 46 CCN được thành lập với diện tích 2.359,6 ha. Các CCN đã thu hút được 439 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký 29.112 tỷ đồng. Qua đánh giá 3 năm (2018 - 2020), giá trị sản xuất công nghiệp bình quân của các CCN đạt 45,95 tỷ đồng/ha; giá trị xuất khẩu đạt 421.530 USD/ha; lao động bình quân sử dụng hơn 123 người/ha và nộp ngân sách nhà nước đạt 750,72 triệu đồng/ha. Các CCN trên địa bàn đã và đang có các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư hạ tầng. Có thể nói, KCQG đã giúp việc phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh được tập trung hơn, tránh đầu tư phân tán không theo kế hoạch, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, huy động được nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, giảm gánh nặng cho ngân sách, góp phần vào mục tiêu phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình.
Tuy nhiên, do có nhiều CCN được quy hoạch ở vị trí không thuận lợi về giao thông, không có quỹ đất để mở rộng nên khó thu hút nhà đầu tư hạ tầng cũng như các dự án thứ cấp... Do đó, để phát triển các CCN hiệu quả và bền vững, tỉnh tiếp tục xây dựng và quản lý tốt các CCN, có chính sách đầu tư và thu hút đầu tư về hạ tầng, dự án thứ cấp vào CCN đủ hấp dẫn. Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho các DN ứng dụng, đổi mới khoa học-công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường…
Bà LÊ THỊ NGA - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo:
Hỗ trợ tìm kiếm thị trường
Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu là một trong những chương trình rất uy tín của Bộ Công Thương, những năm qua, Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo đã vinh dự có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận của chương trình này từ cấp huyện, cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia.
Từ thực tế, các sản phẩm khi được bình - xét chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu đã tăng được uy tín, niềm tin đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, qua các kênh truyền thông của Bộ Công Thương, thị trường các sản phẩm ngày càng được mở rộng. Hiện, Ong Tam Đảo đã tạo dựng được tên tuổi của mình trên thị trường với hơn 30 nhà phân phối, hơn 500 đại lý, cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Đồng thời, sản phẩm của DN cũng xuất khẩu thành công ra một số thị trường nước ngoài như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc... Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, DN đã đầu tư công nghệ sản xuất, tiếp cận với công nghệ hiện đại trong sơ chế, bảo quản và chế biến các sản phẩm ngành ong. Đồng thời không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa các sản phẩm. Đặc biệt cuối năm 2019, đầu 2020, trên cơ sở những sản phẩm đã có, DN đã tập trung phát triển những dòng sản phẩm phục vụ du lịch, nhằm khai thác tối đa tiềm năng về quà tặng du lịch.
Tuy vậy, để sản phẩm CNNT tiêu biểu phát huy giá trị hơn nữa, DN mong muốn Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ DN có sản phẩm CNNT tiêu biểu trong công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, như: Kết nối những sản phẩm đó vào các kênh siêu thị, hệ thống phân phối trong nước. Hay kết nối thông qua hệ thống thương vụ tại nước ngoài, để người tiêu dùng biết đến các sản phẩm có uy tín, chất lượng mà Bộ Công Thương đã kiểm duyệt và tôn vinh.
BÁO ĐIỆN TỬ CÔNG THƯƠNG