Năm 2023, Chương trình khuyến công được UBND tỉnh Lâm Đồng phân bổ với kinh phí là 9,62 tỷ đồng cho 54 đề án. Tập trung vào các nội dung như hỗ trợ: Đầu tư xây dựng nhà xưởng; mua sắm máy móc thiết bị; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; xây dựng và đăng ký nhãn hiệu; tổ chức hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung cầu; xây dựng các chương trình truyền hình...Các ngành nghề hỗ trợ gồm: Sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, trà, cà phê, mật ong, nấm Đông trùng hạ thảo, mắc ca, nấm, may mặc, cơ khí...
Trong tháng 5 vừa qua, Trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành nghiệm thu để giải ngân 03 đề án hỗ trợ không thu hồi kinh phí, tổng kinh phí giải ngân là 290 triệu đồng, gồm các ngành nghề: sản xuất bánh tráng; chế biến nấm Đông Trùng hạ thảo; chế biến cà phê.
Sự hỗ trợ kinh phí kịp thời từ Chương trình khuyến công đã giúp các doanh nghiệp đầu tư thêm các máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại hoàn chỉnh quy trình sản xuất, kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường cạnh tranh được với các sản phẩm trên thì trường, tăng doanh thu và tạo thêm việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Dự kiến 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm sẽ triển khai hoàn thành 21 đề án, với kinh phí là 3,66 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch đề án và 38% kế hoạch kinh phí. Trong đó, hỗ trợ không thu hồi 17 đề án với kinh phí là 1,47 tỷ đồng và hỗ trợ có thu hồi 04 đề án với kinh phí 2,19 tỷ đồng. Việc triển khai hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đảm bảo theo đúng quy định của Nhà nước.
Ngoài ra, thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các đề án được hỗ trợ; tổ chức nghiệm thu và giải ngân cho các doanh nghiệp khi đã thực hiện hoàn thành, cùng với đó đôn đốc doanh nghiệp hỗ trợ có thu hồi hoàn trả theo đúng tiến độ và thời gian cam kết.
Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm đã gửi văn bản cho các địa phương để đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2024. Trong đó tập trung vào các nhóm ngành nghề: công nghiệp chế biến nông - lâm sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, hàng thay thế hàng nhập khẩu; công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn; sản xuất vật liệu xây dựng không nung; sản xuất sản phẩm, phụ tùng; lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí; sản xuất, gia công chi tiết, bán thành phẩm và công nghiệp hỗ trợ và sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp.
Nguồn: Tạp chí Công Thương
ST: LTH