Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 với mục tiêu là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Quá trình Chuyển đổi số sẽ tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Do đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia.
Trong chính sách khuyến công, ngày 20/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1881/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó đặt mục tiêu "Tạo điều kiện cho các cơ sơ công nghiệp nông thôn (CNNT) thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện các hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế", “Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu, phát triển sản phẩm CNNT”, “Tăng cường các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác truyền thông”. Theo đó, tại khu vực nông thôn, các doanh nghiệp, cơ sở CNNT tuy còn nhiều hạn chế về quy mô, máy móc thiết bị công nghệ, khả năng tiếp cận tài chính, kinh nghiệm quản trị điều hành, năng lực tổ chức sản xuất… cũng cần đi theo xu hướng và dòng chảy chung đó để thực hiện chuyển đổi số. Hay nói cách khác, đối mặt với những thách thức chưa từng có, các doanh nghiệp, cơ sở buộc phải tìm cách thích ứng với môi trường kinh doanh gần như đang hoàn toàn thay đổi.
Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, hoạt động khuyến công sau nhiều năm triển khai đã ngày càng đi vào chiều sâu, đúng đối tượng, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay, nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, Chương trình khuyến công quốc gia đã chú trọng các nội dung hoạt động: Hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới; chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến, tự động hóa vào sản xuất; đổi mới, nâng cấp quy trình sản xuất công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng các nguồn nguyên liệu hoặc đưa ra các sản phẩm có tính bảo vệ môi trường, bền vững. Hỗ trợ các cơ sở CNNT sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; các hoạt động tư vấn nhằm nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn. Hỗ trợ phát triển các ngành nghề, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản... nhằm tăng cường hỗ trợ các cơ sở CNNT tiếp cận kinh tế số bằng việc tăng cường sự chủ động, linh hoạt trong mọi hoạt động; tiết kiệm nguồn lực, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp; giải quyết tốt những vấn đề xã hội, ô nhiễm môi trường… để thay đổi cách thức sản xuất truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng vượt trội.
Một trong những hoạt động khuyến công nổi bật trong hỗ trợ cơ sở CNNT thực hiện chuyển đổi số là đề án “Hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên toàn quốc” được thực hiện năm 2022 đã giúp cho cơ sở CNNT có được một “Bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến” gồm website, hệ thống email, Fanpage trên Facebook phục vụ cho hoạt động quảng bá sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh trực tuyến. Thông qua “Bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến” này đã giúp cho cơ sở CNNT tạo sự tin tưởng ổn định đối với khách hàng truyền thống đồng thời phát triển khách hàng tiềm năng; tạo cơ chế thuận lợi trong việc thu thập, cung cấp, khai thác, xử lý, tiếp cận và phản hồi thông tin thị trường đa dạng đồng bộ tương thích trên các thiết bị di động. Đồng thời tăng cường tính tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng, nâng cao uy tín và hình ảnh doanh nghiệp, cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng, đơn giản hóa, chuẩn hóa các quy trình giao dịch, tăng năng suất, giảm chi phí giấy tờ, tăng khả năng tiếp cận thông tin và giảm chi phí vận chuyển, tăng sự linh hoạt trong giao dịch và hoạt động kinh doanh.
Hình ảnh của các trang web được bàn giao cho các cơ sở công nghiệp nông thôn năm 2022
Giai đoạn tới trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, sẽ chứng kiến những chuyển biến chưa từng có trong tổ chức và vận hành của các doanh nghiệp. Đứng trước cơ hội cũng như thách thức từ xu hướng đó, các cơ sở CNNT nếu bắt kịp và chuẩn bị lộ trình phù hợp sẽ đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đồng hành cùng các cơ sở CNNT công tác khuyến công cũng đang được đổi mới theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp; theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số.
QLKC