Hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn
Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp (KC&TVPTCN) thuộc Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu giúp Sở trình UBND Thành phố ban hành chương trình, kế hoạch, đề án về khuyến công theo từng giai đoạn; công tác khuyến công luôn bám sát mục tiêu, kế hoạch, chương trình khuyến công đã được ban hành; các nội dung hoạt động khuyến công cụ thể, rõ ràng, phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của doanh nghiệp, cơ sở CNNT, được đánh giá có hiệu quả cao, đặc biệt là giai đoạn 2012 - 2022, cụ thể: (1) đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề (tổ chức 625 lớp truyền nghề, nâng cao tay nghề cho gần 22.000 lao động nông thôn, 16 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho 800 lao động tại các tỉnh miền núi phía Bắc nhằm liên kết vùng nguyên liệu và mở rộng thị trường sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ; đưa các nghề truyền thống của Hà Nội đến các tỉnh miền núi phía Bắc như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn....); (2) xây dựng mô hình trình diễn, đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất (hỗ trợ 110 lượt cơ sở CNNT với tổng kinh phí 25.860 triệu đồng. Hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch cho 260 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp công nghiệp); (3) hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT (tổ chức 137 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp, thiết kế mẫu, xuất nhập khẩu, quản trị bán hàng, quản trị tài chính... cho trên 15.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, cơ sở CNNT, với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng; tuyên truyền, giới thiệu, chủ trương, chính sách của Nhà nước và thành phố về khuyến công, phát triển nghề, làng nghề cho 6.000 lượt cán bộ làm công tác khuyến công các huyện, thị xã, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội và một số doanh nghiệp, cơ sở CNNT; hỗ trợ tổ chức 12 diễn đàn, hội nghị/hội thảo chuyên đề về kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) giữa Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; tổ chức 23 đoàn tham quan khảo sát trong và ngoài nước với trên 90 lượt cán bộ tham gia…); (4) hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu (tổ chức 18 hội chợ, 04 triển lãm ngành hàng TCMN, sản phẩm CNNT tiêu biểu với 6.653 gian hàng của gần 3.000 lượt cơ sở, doanh nghiệp. Hỗ trợ 292 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm trong nước với 574 gian hàng; tổ chức 04 kỳ bình chọn và công nhận 180 sản phẩm CNNT tiêu biểu); (5) hỗ trợ tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT 182 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh); (6) xây dựng và phát sóng 76 chương trình truyền hình; hơn 400 bản tin, bài viết, ấn phẩm khuyến công; xây dựng, duy trì 01 trang thông tin điện tử về khuyến công…
Công tác khuyến công luôn bám sát mục tiêu, kế hoạch, đã được ban hành; các nội dung hoạt động khuyến công cụ thể, rõ ràng, phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của doanh nghiệp, cơ sở CNNT, được đánh giá có hiệu quả cao qua từng giai đoạn. |
Thông qua hoạt động khuyến công nhiều doanh nghiệp, cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư kinh phí để phối hợp thực hiện nhằm đẩy mạnh và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kết quả trên là sự cố gắng nỗ lực rất lớn của lãnh đạo Sở Công Thương và tập thể Trung tâm KC&TVPTCN. Với tinh thần chủ động, đoàn kết, sáng tạo, ngoài việc thực hiện chương trình khuyến công của thành phố, Trung tâm KC&TVPTCN phối hợp chặt chẽ với Cục Công Thương địa phương, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tham gia các hoạt động, khuyến công quốc gia, hỗ trợ các tỉnh, thành phố đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển vùng nguyên liệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm CNNT của các tỉnh, thành phố vào các hệ thống phân phối trên địa bàn Hà Nội, hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (đưa 200 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử AMAZON), hỗ trợ tham gia công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, quốc gia và xuất khẩu đi các nước trên thế giới…
Ngoài ra, Trung tâm còn chủ động phối hợp với các sở ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để kết hợp chương trình khuyến công với các chương trình khác của thành phố (Chương trình xúc tiến thương mại, Chương trình hỗ trợ phát triển làng nghề, Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thành phố Hà Nội, chương trình hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã thành phố Hà Nội...), góp phần nâng cao hiệu quả trong hỗ trợ phát triển làng nghề và công nghiệp nông thôn giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, tăng trưởng sản xuất, mở rộng xuất khẩu, tạo thêm việc làm mới cho lao động nông thôn. Nhiều cơ sở sản xuất sau một giai đoạn hoạt động đã phát triển từ quy mô siêu nhỏ thành quy mô nhỏ và vừa, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn giai đoạn 2012 - 2022 đạt tăng trưởng bình quân trên 6 - 8%/năm, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại thành theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội cho khu vực nông thôn, góp phần giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tập trung nhiều giải pháp, hoàn thành mục tiêu đề ra
Trong thời gian tới, Trung tâm KC&TVPTCN - Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp: (1) thực hiện có hiệu quả Chương trình Khuyến công Quốc gia và Chương trình Khuyến công thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; (2) thực hiện lồng ghép các nội dung của các đề án, chương trình, kế hoạch hiện có, như: phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội…;(3) tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể xã hội trong chỉ đạo, điều hành phối hợp, triển khai các hoạt động khuyến công. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai hoạt động khuyến công; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục địch, đúng quy định của pháp luật và thành phố; (4) ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình khuyến công bám sát nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn và khả năng cân đối ngân sách; chủ động đề xuất, tham mưu điều chỉnh Kế hoạch khuyến công giai đoạn, hàng năm phù hợp với chính sách liên quan và tình hình thực tế theo đúng quy định, đảm bảo nâng cao hiệu quả Chương trình; tập trung ưu tiên các nội dung mới có sức lan tỏa, tác động lớn đến phát triển công nghiệp nông thôn bền vững; (5) thường xuyên rà soát, xây dựng, bổ sung, sửa đổi hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Thành phố trong lĩnh vực khuyến công; việc lựa chọn doanh nghiệp, cơ sở thụ hưởng đảm bảo công khai minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo sự gắn kết với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; (6) tăng cường tư vấn, trợ giúp thông tin cho cơ sở công nghiệp nông thôn; đa dạng hóa các hình thức thông tin truyền thông để các cơ sở công nghiệp nông thôn nắm bắt và chủ động tham gia Chương trình; tăng cường ứng dụng dựa trên các nền di động, công nghệ thông tin thông minh, thương mại điện tử trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm; (7) tăng cường phối hợp với Cục Công Thương địa phương, các cục, vụ của Bộ Công Thương, Sở Công thương các tỉnh, thành phố, các sở ngành của TP. Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn để triển khai hiệu quả chương trình Khuyến công.
Trên cơ sở các giải pháp đề ra, để chương trình khuyến công tiếp tục mang lại hiệu quả tích cực, Trung tâm KC&TVPTCN Hà Nội sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực kết nối và lan tỏa các giá trị truyền thống nhằm mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển CNNT của Thủ đô. |
ARIT