Tối 2/11, tại Khu Hội chợ Triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ Làng nghề và Sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18.

Hội chợ Làng nghề và Sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 và Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 là hai hoạt động chính nằm trong chuỗi sự kiện “Festival Làng nghề Việt Nam năm 2022” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân dự lễ khai mạc.

Hội chợ được phân chia thành 3 khu vực riêng biệt, gồm: Gian hàng triển lãm chung, có diện tích 200m2, được bố trí tại khu vực trung tâm hội chợ với thiết kế, trang trí đặc biệt nhằm trưng bày, tôn vinh các làng nghề truyền thống như: Mỹ nghệ kim hoàn (vàng, bạc, đồng, khảm tam khí); gốm sứ, pha lê thuỷ tinh; điêu khắc chạm khảm từ đá, gỗ, sừng, sơn mài; mây song, tre nứa lá, mây tre đan; thêu, dệt thổ cẩm, lụa; trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu đoạt giải tại các hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức; trưng bày, tôn vinh các sản phẩm OCOP cấp quốc gia tiêu biểu được đánh giá 4 sao, 5 sao.

Khu thao diễn nghề và biểu diễn nghệ thuật có quy mô 100m2 được trang trí đặc biệt với các hình ảnh tiêu biểu của làng quê Việt Nam. Ban tổ chức phối hợp với các địa phương, Hiệp hội mời một số nghệ nhân tiêu biểu thao diễn tại chỗ một số nghề truyền thống như nghề gỗ mỹ nghệ, nghề thêu, nghề dệt lụa, nghề nón lá, nghề gốm, nghề đồng,… Đồng thời, mời một số nghệ nhân đạt giải tại Hội thi sản phẩm Thủ công mỹ nghệ Việt Năm năm 2022 tham gia thao diễn, giới thiệu sản phẩm; mời một số địa phương tổ chức các chương trình giới thiệu văn hoá nghệ thuật đặc trưng của địa phương trong suốt thời gian diễn ra Hội chợ.

Khu gian hàng hội chợ gồm 150 gian hàng tiêu chuẩn và 900m2 sàn trưng bày được phân chia thành 6 phân khu gắn theo phân vùng kinh tế - xã hội, bao gồm: Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong mỗi phân khu sẽ bố trí khu vực gian hàng riêng để các địa phương, tổ chức, đơn vị trực tiếp trưng bày và giới thiệu sản phẩm; xây dựng không gian quảng bá, giới thiệu sản phẩm, văn hoá địa phương, trải nghiệm, thử nếm sản phẩm, đặc sản vùng miền.

Tại hội chợ, còn trưng bày nhiều mặt hàng nông lâm thủy hải sản, lương thực, thực phẩm, trái cây đặc sản vùng miền và hàng thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước. Sản phẩm tham gia trưng bày đều đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm hữu cơ...

Trong khuôn khổ Hội chợ, sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động như Lễ trao giải Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022; Hội thảo Phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Sản phẩm OCOP và làng nghề; Hội nghị tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, tổ chức đưa khoảng 1.000 nông dân, thợ thủ công, sinh viên các trường nông nghiệp thuộc các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Hồng đến tham quan, học tập tại Hội chợ.

Hội chợ diễn ra từ ngày 2 đến 6/11. Đây là sự kiện nhằm quảng bá, tuyên dương các làng nghề truyền thống; các nghệ nhân, thợ giỏi; giới thiệu, quảng bá Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương với các kênh tiêu thụ truyền thống và hiện đại; mặt khác, tăng cường liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, phát triển sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường; thông qua đó, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm đạt giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hằng năm.

Hoài Nam - TTCN