Hiện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 7 cụm công nghiệp (372,54 ha) đã được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng với tổng vốn đầu tư theo dự án khoảng 3.849 tỷ đồng; 01 cụm công nghiệp (30 ha) đã đầu tư cơ bản hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải tập trung, đi vào hoạt động lấp đầy 100%.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên, đến hết năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên quy hoạch 42 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.931 ha. Đến nay, đã thành lập được 26 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.256,28 ha, thu hút 446 dự án đăng ký đầu tư; 20 cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 1.048.19 ha. Hiện có 7 cụm công nghiệp (372,54 ha) đã được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng với tổng vốn đầu tư theo dự án khoảng 3.849 tỷ đồng; 01 cụm công nghiệp (30 ha) đã đầu tư cơ bản hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải tập trung, đi vào hoạt động lấp đầy 100%. Có 25 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư; 01 cụm công nghiệp do Ban quản lý dự án cấp huyện làm chủ đầu tư.

Việc hình thành và phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trong thời gian vừa qua đã góp phần đáp ứng mặt bằng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, với việc thu hút được nhiều nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp đã tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho sản xuất công nghiệp của tỉnh theo quy hoạch, khai thác được tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Công nghiệp đã trở thành ngành đầu tàu, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Với mức tăng trưởng ngày càng cao, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã có tác động tích cực lan tỏa đến các ngành khác, thúc đẩy CNHT phát triển; nhiều sản phẩm công nghiệp của tỉnh tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu (dệt may, cơ khí, điện tử...). Việc hình thành và phát triển một loạt các cụm công nghiệp đã từng bước tạo ra hiệu ứng kinh tế - xã hội tích cực, tạo điều kiện thuận lợi khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, TTCN. Các cụm công nghiệp làng nghề đã góp phần hình thành khu vực sản xuất tập trung, di dời được sản xuất ra ngoài khu dân cư; tạo mặt bằng cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện để phát triển; tạo điều kiện xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề.

Hiện nay UBND tỉnh Hưng Yên đã xây dựng "Phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn  2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" để tích hợp vào quy hoạch tỉnh theo Luật quy hoạch; theo đó, giai đoạn 2021-2030 Tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư có năng lực, uy tín đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp được quy hoạch, tạo tiền đề hình thành và phát triển các cụm công nghiệp sạch chuyên ngành, sinh thái,  phụ trợ,.. Từng bước chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện hữu đang nằm trong khu dân cư, ngoài khu, cụm công nghiệp vào trong khu, cụm công nghiệp để hoạt động sản xuất kinh doanh. Không tiếp nhận, bố trí bổ sung dự án sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, xen lẫn trong khu vực đô thị, khu dân cư.

Anh Tuấn - CCN