Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, suy thoái kinh tế, giá cả một số nguyên liệu, vật liệu đầu vào sản xuất (than, điện, xăng, dầu...) biến động nên một số ngành nghề gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ sản phẩm giảm, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Ðể khắc phục vấn đề này, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để chuyển từ đào tạo lao động theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động. Chú trọng đào tạo các ngành nghề mà doanh nghiệp cam kết nhận lao động sau tốt nghiệp vào làm việc, gồm: May, điện, điện tử... Từ năm 2020 đến nay, qua các chương trình, đề án khuyến công, Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp đào tạo nghề dệt may, mộc, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ cho lao động tại các cơ sở CNNT.
Bên cạnh đó, tỉnh, các sở, ngành và địa phương tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế với các sản phẩm, nhãn hiệu có uy tín trên thị trường như: Bộ sản phẩm từ nghệ của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên (Khoái Châu); bộ trang sức bằng bạc của Hợp tác xã Chạm bạc Phù Ủng (Ân Thi); bộ sản phẩm phấn hoa ong, mật ong và sữa ong chúa của Công ty TNHH Mật ong Danh Vị (xã Mễ Sở, Văn Giang)…
Hằng năm, chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu được Sở Công Thương tổ chức đã mở ra cơ hội phát hiện và tôn vinh nhiều sản phẩm CNNT có chất lượng, giá trị sử dụng cao và có tiềm năng phát triển sản xuất. Cùng với đó, Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm đầu tư nâng tầm thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh có giá trị gia tăng cao của địa phương.
Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn. Trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp; duy trì, phát triển ổn định hoạt động sản xuất các làng nghề; tích cực nhân cấy, đưa nghề mới về nông thôn, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung; phát huy lợi thế vị trí, khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ để hình thành, phát triển các làng nghề. Năm 2021, các làng nghề đạt giá trị sản xuất trên 7,3 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho 45 nghìn lao động nông thôn.
Thời gian tới, các ngành, địa phương cần chủ động nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thực hiện tốt các quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn; tạo điều kiện phát triển các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tăng cường quản lý công tác bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm về môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại vùng nông thôn; đẩy mạnh hỗ trợ, đào tạo nghề, nhân cấy nghề mới để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Theo Công nghiệp Tiêu dùng