Mới đây, Cục Công Thương địa phương tổ chức Hội thảo về các giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT), phát triển bền vững cụm công nghiệp (CCN). Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Hoàng Chính Nghĩa chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công Thương, Tài nguyên – Môi trường, Kế hoạch – Đầu tư; Sở Công Thương các tỉnh/thành phố; Hiệp hội môi trường công nghiệp, làng nghề, Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam…

Theo Báo cáo tại Hội thảo, cả nước đến nay đã thành lập 807 CCN với tổng diện tích 26.605 ha, trong đó, có 689 CCN với tổng diện tích khoảng 18.780 ha đi vào hoạt động. Các CCN đã thu hút được khoảng 9.818 dự án, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký 224.434,9 tỷ đồng. Tổng doanh thu trong năm 2017 của các dự án đầu tư trong CCN 193.039 tỷ đồng. Các doanh nghiệp hoạt động trong CCN chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể. Các dự án hoạt động đã thu hút khoảng 653.532 lao động, chủ yếu là lao động tại địa phương.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 276 CCN được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án BVMT, chiếm 40% trong các CCN đi vào hoạt động; 109 CCN có hệ thống xử lý nước thải chung đi vào hoạt động, chiếm 16% so với các CCN đã hoạt động.

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về BVMT đã được chính phủ, nhà nước ban hành khá đầy đủ, tuy nhiên các vi phạm trong lĩnh vực BVMT khi thực hiện quy hoạch, xây dựng và vận hành CCN vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống BVMT là rất lớn, trong khi công tác xã hội hóa đầu tư thấp, nguồn vốn đầu tư cho công tác BVMT còn nhiều hạn chế. Vì vậy, vấn đề BVMT nói chung, BVMT trong CCN nói riêng đang luôn được quan tâm.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về các giải pháp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững CCN: Cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về BVMT đối với CCN; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về quản lý, phát triển CCN nói chung và BVMT CCN nói riêng theo hướng phát triển bền vững. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực BVMT; Tăng cường đầu tư hợp tác quốc tế và trong khu vực để nâng cao năng lực trong việc lựa chọn và chuyển giao công nghệ xử lý môi trường cho các CCN; Quan tâm tăng tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp môi trường trong CCN; Các tỉnh, thành phố, cần xây dựng, ban hành, thực hiện cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý và thanh tra, kiểm tra đối với các CCN về lĩnh vực môi trường; Chủ đầu tư phải hiểu rõ Luật và các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT để thực hiện và hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở trong CCN...

Công tác BVMT, phát triển bền vững các CCN là nhiệm vụ hết sức quan trọng, luôn gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất trong CCN. Do đó, cần được ưu tiên hàng đầu trong công tác quản lý CCN của Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương, đồng thời cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp, người lao động tại các CCN.

 

Tú Trần (Arit)

Tin đã đăng