Hoạt động khuyến công tại Quảng Bình thời gia qua đã có nhiều tính hiệu tích cực, trong đó nguồn vốn khuyến công đã phát huy tốt để góp phần hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới công nghệ, khôi phục sản xuất sau đại dịch tại tỉnh Quảng Bình. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Hải- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình về vấn đề này.
Tăng trưởng giá trị sản xuất Công nghiệp tỉnh Quảng Bình 6 tháng đầu năm đạt 7,45%, đây là kết quả nổi bật trong bối cảnh công nghiệp nhiều địa phương sụt giảm mạnh. Ông có đánh giá như thế nào về những kết quả ngành công nghiệp Quảng Bình đạt được thời gian qua ?
Ngành công nghiệp luôn giữ một vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2023 sản xuất công nghiệp Quảng Bình gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, lạm phát ở mức cao, các doanh nghiệp trong tình trạng thiếu hụt đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu; đồng thời chi phí đầu vào và lãi suất vay vẫn ở mức cao, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Ngoài ra, một số dự án đầu tư phát triển công nghiệp có quy mô lớn dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023 nhưng chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành.
Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp linh hoạt và đồng bộ, ngành Công Thương Quảng Bình đã đạt một số kết quả khả quan. Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của tỉnh tăng trưởng khá so với cùng kỳ, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,72% (cả nước tăng 0,43%), chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2% (cả nước giảm 1,2%); giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,45% (cả nước tăng 0,89%).
Ông có đánh giá về nào về vai trò của các cụm công nghiệp (CCN), làng nghề, tiểu thủ công nghiệp (LN, TTCN) trong kết quả tăng trưởng này?
Để có kết quả tăng trưởng như vậy thì sự phát triển của các cụm công nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp đóng vai trò không nhỏ. Cụ thể, theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050, Quảng Bình có 38 Cụm công nghiệp với diện tích 757 ha; đã phát triển được 10/38 CCN, với diện tích 100,9ha, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê 38,5ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 61%, thu hút được 111 dự án, với tổng số vốn hơn 500 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 1.788 lao động, doanh thu gần 400 tỷ đồng và nộp ngân sách trên 14 tỷ đồng. Việc hình thành các cụm công nghiệp đã giúp cho sản xuất công nghiệp theo hướng tập trung, hạn chế tình trạng sản xuất phân tán, gây ô nhiễm môi trường. Các cụm công nghiệp hoạt động đã đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất công nghiệp, ngành nghề nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch vụ, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, việc phát triển TTCN và làng nghề có nhiều khởi sắc đã thu hút và giải quyết nhiều việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp và nông thôn. Nhiều cơ sở đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, thiết bị, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; điển hình là các ngành nghề: mộc mỹ nghệ, kính cường lực, cơ khí sửa chữa, may mặc, chế biến thủy hải sản, nước mắm, tinh bột nghệ, khoai deo, miến dong, sản xuất dược liệu, sơ chế nông sản…Toàn tỉnh có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, trong đó có 19 làng nghề và 10 làng nghề truyền thống, thu hút hơn 8.200 cơ sở và hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho gần 15.800 lao động tại địa phương với doanh thu hơn 175 tỷ đồng/năm. Có 4 làng nghề đã đăng ký thương hiệu (bánh mè xát Tân An, nước mắm Quy Đức, nước mắm Nhân Trạch và rượu Gia Hưng) và 09 nhãn hiệu làng nghề được Cục sở hữu cấp giấy chứng nhận đăng ký…
Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh sản xuất công nghiệp chững lại, nguồn vốn khuyến công càng phát huy hơn nữa vai trò là “vốn mồi”, tiếp sức để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, tái cơ cấu sản xuất. Quan điểm của ông về ý kiến này?
Những năm gần đây, đại dịch Covid-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có đến nền kinh tế cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng. Trong bối cảnh đó, nguồn vốn khuyến công đã phát huy tốt để góp phần hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới công nghệ, khôi phục sản xuất sau đại dịch, có động lực phát triển, tăng trưởng ngày càng tích cực.
Giai đoạn năm 2019 - 2022, thông qua nguồn vốn khuyên công quốc gia và địa phương, tỉnh Quảng Bình đã triển khai đồng bộ các hoạt động khuyến công trên với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng, trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ trên 9 tỷ đồng và kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 15 tỷ đồng. Với khuyến công quốc gia, các hoạt hỗ trợ tập trung vào đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề cho người lao động, doanh nghiệp với kinh phí triển khai trên 700 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 4 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, áp dụng công nghệ mới với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng và đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến cho 03 dự án.Về chương trình khuyến công địa phương đã hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng cho hơn 120 cơ sở đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Đã tổ chức 2 kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh với 82 sản phẩm được bình chọn, trong đó, 22 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực,05 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia. Phối hợp thực hiện các chương trình nâng cao năng lực quản lý, sản xuất, quảng bá tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác quốc tế về khuyến công với Lào, Thái Lan, hỗ trợ cơ sở tham gia hội chợ, triển lãm trong nước…
Ông cho biết kế hoạch thực hiện chương trình khuyến công của tỉnh năm 2023 và định hướng hỗ trợ khuyến công của tỉnh trong thời gian tới?
Năm 2023, hoạt động khuyến công sẽ tập trung hỗ trợ, phát triển những ngành, nghề có tiềm năng nổi trội và lợi thế cạnh tranh, ngành nghề có sản phẩm phục vụ du lịch; các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước…Trong đó tổ chức Xây dựng 01 mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ 15-20 cơ sở CNNT đầu tư chuyển giao, ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ 01 cơ sở tư vấn, đánh giá và xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn và nhân rộng mô hình áp dụng; 3-4 cơ sở CNNT xây dựng, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm; 02-03 lớp đào tạo nghề cho các cơ sở CNNT; 1-2 gian hàng trưng bày sản phẩm CNNT tiêu biểu và sản phẩm OCOOP; hỗ trợ 120 -130 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước..…
Để thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến công, trong thời gian tới, công tác khuyến công trên địa bàn sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ như:
Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình khuyến công tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 – 2025; Nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền. đẩy mạnh công tác thông tin, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến đến các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn, người lao động và đội ngũ cộng tác viên về hoạt động khuyến công, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong hoạt động khuyến công, kiến thức về hoạt động khuyến công...; Tập trung cho đào tạo nghề, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về thực hiện công tác khuyến công. Chú trọng công tác đào tạo nghề, ưu tiên cho các ngành, nghề truyền thống nhằm phát triển các sản phẩm có chất lượng mang tính đặc trưng của địa phương; tiếp tục duy trì, khôi phục, phát triển, nhân cấy nghề cho các làng nghề; hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao tay nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn. Đẩy mạnh triển khai các nội dung hoạt động khuyến công và hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công. Trên cơ sở các văn bản quy định về cơ chế, chính sách các hoạt động khuyến công của Chính phủ, các bộ, ngành... tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản liên quan đến hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: congthuong.vn
ST: Nhung Trần