Hoạt động khuyến công đã hỗ trợ tích cực các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tại Hòa Bình phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.

Theo Sở Công Thương, năm 2020, tỉnh đã triển khai các đề án khuyến công quốc gia (KCQG), khuyến công địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ 3.856,721 triệu đồng. Đối với KCQG, Sở Công Thương tỉnh đã triển khai các đề án với nguồn kinh phí hỗ trợ 3.306,849 triệu đồng; kinh phí đối ứng từ ngân sách địa phương 149,872 triệu đồng, bao gồm các đề án về nhóm "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong dệt may", "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến chế biến nông – lâm sản", "Hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm trong nước", "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gạch không nung", "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất dầu Sachi", "Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cụm công nghiệp xóm Rụt, xã Tân Vinh, Lương Sơn"…

Trong năm 2020, Công ty Cổ phần may xuất khẩu An Phúc (thị trấn Hàng Trạm – Yên Thủy) được thụ hưởng nguồn vốn KCQG với Đề án nhóm "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong dệt may". Nhờ đề án KCQG, công ty đã đầu tư được hệ thống máy hiện đại, công suất lớn, tạo sức bật để vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19. Hệ thống máy móc của công ty hiện đã hoàn toàn tự động, giải phóng được sức lao động, nâng cao năng suất. Trung bình mỗi ngày, công ty làm ra 800 - 900 chiếc áo sơ mi, năng suất cao hơn nhiều so với trước đây và duy trì việc làm ổn định cho khoảng 70 lao động.
 
Tương tự, từ nguồn kinh phí khuyến công, năm 2020, tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ Công ty Cổ phần INCA Việt Nam (phường Kỳ Sơn) máy ép dầu và máy lọc dầu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh qua Đề án "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất chế biến nông sản". Theo bà Lê Thị Vân - Giám đốc Công ty Cổ phần INCA Việt Nam - trước đây, công ty sử dụng máy móc cũ, sau 3 năm sử dụng, máy móc trục trặc, xuống cấp nên rất vất vả trong vận hành sản xuất. Nhờ sự hỗ trợ của kinh phí khuyến công, công ty đã có được hệ thống máy móc mới hoàn toàn, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất tốt hơn, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong năm 2020, công ty đã thu được 50 tấn sản phẩm Sachi và chuẩn bị bước vào đợt thu mới. Với sản lượng này, công ty đang khẩn trương chế biến các sản phẩm để giới thiệu ra thị trường dịp Tết Nguyên đán.
 
Bên cạnh đó, nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong, ngoài nước, tỉnh Hòa Bình đã có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển CNNT. Qua việc thực hiện đề án "Tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020", tỉnh đã công nhận 15 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020 thuộc 2 nhóm: Sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
 
Theo Sở Công Thương Hòa Bình, từ triển khai thực hiện các đề án khuyến công đã khuyến khích cơ sở CNNT mạnh dạn áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ. Từ đó, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo Công nghiệp Tiêu dùng