Thông qua các hoạt động khuyến công như hỗ trợ: Đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề; nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tư vấn, trợ giúp cơ sở công nghiệp nông thôn; cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công; phát triển các cụm công nghiệp. Trong giai đoạn 10 năm (2012 - 2022), Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang đã triển khai thực hiện hỗ trợ được 142 cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn của tỉnh (chiếm tỷ lệ 52,8% so với tổng số cơ sở công nghiệp nông thôn thụ hưởng chính sách khuyến công trong toàn tỉnh là 269 cơ sở), trong đó phân theo địa bàn các huyện: Sơn Động (20 cơ sở), Lục Nam (20 cơ sở), Lục Ngạn (46 cơ sở), Yên Thế (25 cơ sở) và Hiệp Hòa (31 cơ sở).
Hoạt khuyến công đã hỗ trợ phát triển những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản hàng hóa, chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của các địa phương như: Vải thiều Lục Ngạn, mỳ gạo Chũ, trà hoa vàng Lục Nam…. Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn kết nối với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành mạng sản xuất và chuỗi cung ứng khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; thiết kế mẫu mã bao bì đóng gói sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu; động viên, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất cơ khí, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tiếp sức cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phục hồi, vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19… Góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, từng bước tiến tới mục tiêu nâng cao chất lượng, tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các địa phương.
Mặc dù, số lượng cơ sở công nghiệp nông thuộc những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn của tỉnh được hỗ trợ kinh phí khuyến công lớn (chiếm tỷ lệ 52,8%) nhưng do đặc thù là những địa phương miền núi nên quy mô hoạt động của các cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ nên nguồn kinh phí hỗ trợ còn thấp, chỉ chiếm tỷ lệ 26,3% so với tổng kinh phí thực hiện trong toàn tỉnh; đồng thời, một số cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ khuyến công nhưng phát triển chưa mạnh, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của từng địa phương. Kế hoạch trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện nhiều nội dung hoạt động khuyến công thiết thực, hiệu quả, kịp thời động viên, khuyến khích cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn của tỉnh vươn xa./.
Nguồn: https://sct.bacgiang.gov.vn/
ST: PTKD