Những năm gần đây, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được Bộ Công thương mà trực tiếp là Cục Công thương Địa phương hỗ trợ kinh phí để tổ chức nhiều cuộc Hội thảo và các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng cho các hội viên, nghệ nhân thợ giỏi trong các làng nghề.

Thực hiện chương trình khuyến công trong thời gian qua, triển khai quyết định số 1881/QĐ-TTg, ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; Việc ban hành Chương trình khuyến công nhằm huy động các nguồn lực tham gia hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề và tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho lao động nông thôn; khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế ô nhiễm; bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; qua đó hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong giai đoạn 2021 – 2025 này, Hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng đã đề xuất với Cục Công thương Địa phương - Bộ Công Thương tập trung triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công theo 09 nhóm nội dung chính, bao gồm: hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn; hỗ trợ tư vấn trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, chương trình khuyến công; hỗ trợ hợp tác quốc tế về khuyến công; hỗ trợ liên doanh, liên kết, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chửc thực hiện hoạt động khuyến công.

Trong năm 2022, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam dự kiến sẽ có các kế hoạch cụ thể  thực hiện khuyến công tại các làng nghề : Triển khai Chương trình vinh danh các danh hiệu làng nghề Việt Nam ;  tổ chức  tư vấn, lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực áp dụng kỹ thuật sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn ; 04 hội thảo, theo chuyên đề: Hội thảo “Tư vấn kỹ năng kinh doanh trực tuyến cho các cơ sở Công nghiệp nông thôn trong các làng nghề”; Hội thảo “Tư vấn nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ tăng sức cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu”; Hội thảo “Tăng cường liên kết để phát triển cụm công nghiệp làng nghề ở Việt Nam” ; Hội thảo “Tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì và đóng gói sản phẩm”.

Để công tác khuyến công đạt hiệu quả cao, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đề xuất các giải pháp thực hiện là: tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung hoạt động khuyến công theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP; rà soát, hoàn thiện, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội thực tiễn hiện nay; triển khai các nội dung chính sách khuyến công và định hướng phát triển công nghiệp trong thời gian tới; duy trì hoạt động hiệu quả, với vai trò là đơn vị trực tiếp triển khai các hoạt động khuyến công trên địa bàn một số tỉnh; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các làng nghề, phát triển sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, cải tiến, đổi mới công nghệ, cung cấp thông tin, nâng cao năng lực doanh nghiệp, kỹ năng cho người lao động; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, liên kết giữa các cơ quan, ban, ngành và doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền về hoạt động khuyến công trên Tạp chí Làng nghề Việt Nam.

Theo Làng nghề Việt