HOẠT ĐỘNG CÔNG THƯƠNG ĐỊA PHƯƠNG
Sở Công Thương Hải Phòng đã dự thảo Đề án “Xây dựng chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (CCN) do ngân sách thành phố đảm bảo giai đoạn 2020 - 2025”, với tổng kinh phí dự toán trên 335,4 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn lực hấp dẫn giúp thành phố thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN và nhà đầu tư thứ cấp.      

Nhiều chính sách hỗ trợ

Với vị trí địa lý thuận lợi, sản xuất công nghiệp phát triển, Hải Phòng luôn chú trọng xây dựng các khu, CCN nhằm tạo thêm mặt bằng, thu hút đầu tư. Riêng với CCN, hàng loạt chính sách hỗ trợ đã được ban hành và thực thi.

Cụ thể, trong quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công thành phố được ban hành theo Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND quy định: Hỗ trợ 50% chi phí lập quy hoạch chi tiết CCN, không quá 300 triệu đồng/cụm; chi hỗ trợ đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng CCN 3 tỷ đồng/cụm; hỗ trợ 30% chi phí sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường tại các CCN, không quá 1 tỷ đồng/cụm.

Ngoài chính sách chung, thành phố cũng hỗ trợ cho từng CCN riêng lẻ, như kết cấu hạ tầng CCN Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) và CCN thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng) được đầu tư bằng 100% vốn ngân sách; hạ tầng CCN Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo) được đầu tư bằng vốn ngân sách ứng trước và thu hồi từ đóng góp của DN thuê đất trong CCN.

Theo đánh giá từ Sở Công Thương Hải Phòng, những chính sách hỗ trợ của thành phố đã phát huy hiệu quả. Trừ CCN thị trấn Tiên Lãng đang triển khai xây dựng, các CCN còn lại đều đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt 100%. Tuy nhiên, do đầu tư hạ tầng CCN đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi thu hồi vốn chậm, dẫn tới việc phát triển CCN bị chậm so với quy hoạch phát triển CCN thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Gia tăng nhu cầu mặt bằng sản xuất

Trong dự thảo Đề án “Xây dựng chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN do ngân sách thành phố đảm bảo giai đoạn 2020-2025”, Sở Công Thương thành phố cũng đưa ra dự báo, sẽ có nhiều yếu tố tác động đến tình hình phát triển CCN, trong đó gia tăng nhu cầu mặt bằng sản xuất là xu hướng nổi trội.

Theo đó, các công trình hạ tầng giao thông quan trọng đã và đang được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kết nối giao thông đến các CCN. Một số DN đang triển khai lập dự án và xây dựng kinh doanh hạ tầng CCN như Đò Nống, Mỹ Đồng, Tân Trào… góp phần đẩy nhanh việc phát triển CCN theo quy hoạch. Đặc biệt, làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là dấu hiệu tích cực thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào các CCN trên địa bàn thành phố.

Với dự báo đó, thông qua dự thảo Đề án, Sở Công Thương cũng đề xuất gói hỗ trợ trên 335,4 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này tập trung vào nội dung mang ý nghĩa thúc đẩy công tác chuẩn bị đầu tư và đầu tư hạ tầng CCN.

Bên cạnh đó, sở cũng đề xuất mức hỗ trợ cụ thể đối với từng nhóm. Theo đó, nhóm hỗ trợ chi phí chuẩn bị đầu tư, gồm: 50% chi phí tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, không quá 250 triệu đồng/cụm; 50% chi phí tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, không quá 250 triệu đồng/cụm; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 250 triệu đồng/ha; chi phí rà phá bom mìn, vật nổ 12 triệu đồng/ha. Đối với nhóm hỗ trợ chi phí đầu tư: Hỗ trợ 30% chi phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trong CCN, không quá 3 tỷ đồng/cụm.

Với những quy định rõ ràng về đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ; đặc biệt là nguồn kinh phí hấp dẫn, Hải Phòng đã mở thêm điều kiện với DN vào đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN cũng như nhà đầu tư thứ cấp.  Theo quy hoạch, đến năm 2025 Hải Phòng sẽ có 33 CCN, với tổng diện tích 1.337,58ha,  tỷ lệ lấp đầy đạt 80 - 90% diện tích đất công nghiệp.


Nguồn: congthuong.vn