Theo đó, Kế hoạch được xây dựng nhằm hướng tới mục tiêu: Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) thuộc các ngành có tiềm năng, thế mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu; nâng cao năng lực quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm, thị trường bền vững; Khuyến khích chuyển giao công nghệ, ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững; Tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh, tham gia các chuỗi cung ứng và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khuyến khích các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến phù hợp với tình hình mới; Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, hạn chế gây ô nhiễm môi trường nông thôn. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp.
Cụ thế: Phấn đấu năm 2024, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ hồi phục và tăng trưởng 6-8%/năm; Tạo ra 650-800 mẫu thiết kế mới phục vụ thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ 600-650 lượt doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế; hỗ trợ 10-15 cơ sở đầu tư thiết bị mới tiên tiến hiện đại vào sản xuất; khoảng 2.000 - 2.500 học viên là lãnh đạo, quản lý của cơ sở công nghiệp nông thôn được nâng cao năng lực quản lý.
Nội dung Kế hoạch tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ chính: Nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Phát triển sản phẩm mới; Nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động khuyến công trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội đề ra các nhiệm vụ cụ thể cho Sở Công Thương, Sở Tài chính, Các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các Hội, Hiệp hội ngành nghề trên địa bàn Thành phố.
Trong đó, Sở Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì, tổ chức, hướng dẫn, triển khai thực hiện Kế hoạch Khuyến công năm 2024 theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, không trùng lặp, đúng mục tiêu, kết quả đề ra. Định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức khảo sát, thẩm tra lựa chọn những nội dung, hoạt động, đề xuất của các đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có đủ năng lực triển khai thực hiện hỗ trợ năm 2024; Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hoạt động khuyến công trên địa bàn Thành phố đảm bảo thiết thực, hiệu quả, không chồng chéo, đúng các quy định pháp luật và Thành phố; Xây dựng các nội dung chi tiết nhiệm vụ Hỗ trợ ứng dụng thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt trước khi triển khai thực hiện; Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng với nguồn kinh phí khuyến công Thành phố đầu tư, hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nông thôn thành phố Hà Nội; Phối hợp với Cục Công thương địa phương – Bộ Công Thương tổ chức chuỗi sự kiện Ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2024 tại thành phố Hà Nội,...
Các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, phụ trách, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương để triển khai có hiệu quả và hoàn thành Kế hoạch đã đề ra năm 2024./.
NTB
Ảnh: ST