Dự kiến đến năm 2020, 100% số xã trên địa bàn tỉnh Hà Nam có tiêu chí số 4 về điện nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tuy nhiên vấn đề duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí đã đạt được là vấn đề khó của tỉnh khi nhu cầu sử dụng điện được dự sẽ tăng nhanh chóng.

 

Theo số liệu từ Sở Công Thương Hà Nam, tính đến hết tháng 6/2019 tỉnh đã có 98% số xã đạt chuẩn về tiêu chí số 4. Theo đó, đã giúp thay đổi đáng kể đời sống của người dân khu vực nông thôn. Nhờ có nguồn điện ổn định, an toàn, người dân nông thôn có điều kiện áp dụng công nghệ mới thúc đẩy sản xuất, mở rộng ngành nghề kinh doanh dịch vụ, tiến tới xoá đói giảm nghèo bền vững.

Mặc dù đã gần chạm đích tiêu chí số 4 trong xây dựng NTM, tuy nhiên việc bảm đảm chất lượng cho tiêu chí này của Hà Nam về lâu dài sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguyên do, mức tăng trưởng phụ tải, nhu cầu sử dụng điện của các hộ sử dụng điện khu vực nông thôn tăng trưởng quá nhanh khoảng 15 - 20% có nơi tăng rất cao khoảng 25% do vậy cần sớm phải đầu tư cải tạo thêm. Việc đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện nông thôn đòi hỏi lượng vốn rất lớn, trong khi nguồn vốn chủ yếu đến từ ngành điện nên rất hạn hẹp, chưa kịp thời.

Hơn nữa, từ sau năm 2020 trở đi, ngành Công Thương Hà Nam sẽ phải duy trì tiêu chí số 4 đã đạt được và có kế hoạch đầu tư xây dựng các trạm biến áp chống quá tải; xây dựng các nguồn 110kV, lưới điện theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải, nâng cao chất lượng điện.

Để bảo đảm chất lượng dài hơi cho tiêu chí số 4, trên cơ sở Quy hoạch phát triển lưới điện tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2025 có xét đến 2035 đã được phê duyệt, Sở Công thương sẽ tiếp tục đôn đốc Công ty điện lực Hà Nam lập danh mục, kế hoạch cải tạo, xây dựng báo cáo Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc bố trí vốn đầu tư để thực hiện theo quy hoạch. Đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư nâng cấp cải tạo, sửa chữa lưới điện trung, hạ thế theo danh mục đầu tư đã được phê duyệt. Rà soát lưới điện phân phối nông thôn, lập kế hoạch đề nghị Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc bố trí vốn đầu tư kịp thời.

Sở Công Thương Hà Nam cũng đề xuất: Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc bố trí đủ và kịp thời nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng phát triển lưới điện tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035 theo đúng Quy hoạch phát triển lưới điện đã được phê duyệt. Đặc biệt trong giai đoạn từ 2016-2020, xem xét ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng và sửa chữa lớn cho Công ty Điện lực đầu tư xây dựng các trạm biến áp mới chống quá tải lưới điện, giảm bán kính cấp điện; ưu tiên nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm biến áp 110kV đã được tỉnh chấp thuận hướng tuyến và bố trí đất xây dựng.

KConline