Số liệu từ Sở Công Thương Hà Giang cho thấy, 10 năm qua tỉnh đã tổ chức 2 kỳ bình chọn cấp huyện, 7 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận; 4 kỳ bình chọn cấp tỉnh, 48 sản phẩm được bình chọn.
Bên cạnh công tác bình chọn, Sở Công Thương đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp có sản phẩm CNNT tiêu biểu. Theo đó, thông qua chương trình khuyến công đã có 30 cơ sở được hỗ trợ, trong đó 26 cơ sở được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu 4 cơ sở. Tổng kinh phí hỗ trợ 4.085 triệu đồng.
Với những kết quả đạt được và tiềm năng sẵn có, Hà Giang đặt mục tiêu lớn cho công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu. Cụ thể, giai đoạn 2022-2030 Hà Giang dự kiến có 73 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, 63 sản phẩm cấp tỉnh. Trong đó năm 2022 có 12 sản phẩm cấp huyện và 10 sản phẩm cấp tỉnh.
Bên cạnh công tác bình chọn, để đảm bảo tính thị trường cho sản phẩ, Hà Giang sẽ có những chính sách hỗ trợ sát hơn với nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, như: hướng dẫn và nâng cao nhận thức về đăng ký và bảo vệ thương hiệu, xây dựng mẫu, kiểu dáng công nghiệp, công bố quản lý chất lượng sản phẩm; cải tiến và thay đổi mẫu mã sản phẩm; thực hiện xúc tiến thương mại, xúc tiến thị trường cho sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Tỉnh cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bình chọn, Theo đó, tỉnh tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các cơ sở chế biến, công nghiệp nông thôn. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và vận động tại cơ sở để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về công tác bình chọn, đồng thời tiến hành công tác tập huấn cho các địa phương, cơ sở nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, mục đích ý nghĩ công tác bình chọn để cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn biết, hiểu và tích cực tham gia.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, có chính sách thỏa đáng để thu hút nhân tài, người có tay nghề cao, nghệ nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực chế biến, công nghiệp nông thôn. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá công tác đào tạo để đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực cho phát triển. Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nguồn lao động của địa phương.
Tích cực khai thác, tìm kiếm, phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm huy động các nguồn lực và nguồn vốn tài trợ hợp pháp theo quy định của pháp luật để phục vụ phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn.
Các cơ sở sản xuất phải có những giải pháp phù hợp nhất trong đầu tư đổi mới công nghệ - thiết bị, quan tâm cải tiến và thay đổi mẫu mã sản phẩm nhất là công tác xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và bao bì sản phẩm phù hợp với xu thế hội nhập và thị hiếu thị trường.
TQL.KConline