Trong 10 năm qua, Gia Lai đã phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp theo Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ

Trong 10 năm qua, Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động khuyến công nhằm phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, theo Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, trong giai đoạn 2012-2022, Sở Công Thương đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động khuyến công với tổng kinh phí thực hiện khuyến công trên địa bàn tỉnh hơn 60 tỷ đồng; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho 25 đề án với 39 đơn vị được thụ hưởng, tổng kinh phí trên 7,3 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí cho hoạt động phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu từ nguồn vốn khuyến công hơn 2,6 tỷ đồng.

ặc biệt trong 02 năm (2021-2022), hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đã tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề có lợi thế của địa phương; tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn.

Các hoạt động khuyến công cũng đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến công nghệ, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động nông thôn.

Một số cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tiêu biểu được hỗ trợ khuyến công như: HTX Mật ong Phương Di Ia Grai (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai), HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Bình (xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa), Công ty TNHH một thành viên Thương mại - dịch vụ Thái Sơn Tây Nguyên (Cụm Công nghiệp Diên Phú, TP. Pleiku), Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên (Gia Lai)… Đây là những cơ sở có sản phẩm chất lượng cao, có tiềm năng phát triển và mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cũng đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo và hướng dẫn về chính sách khuyến công cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội và các cơ sở sản xuất. Đồng thời, xây dựng và ban hành các kế hoạch, hướng dẫn về quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn khuyến công.

ại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công vừa qua, theo chia sẻ của nhiều đại biểu cho rằng trong bối cảnh hiện nay, phát triển sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghiệp nông thôn nói riêng đã và đang có nhiều thay đổi; do đó, chính sách khuyến công cũng cần điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Ông Krum Dam Đoàn – Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, cho rằng: Trong bối cảnh thực tế hiện nay, các cơ chế, chính sách khuyến công cần có sự thay đổi linh hoạt hơn trong việc thay đổi các đề án khuyến công để giúp địa phương, doanh nghiệp có thể tận dụng tốt nguồn vốn khuyến công.

Riêng đối với hợp tác xã, nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ, đóng góp nguồn lực giúp các đơn vị hợp tác xã đầu tư máy móc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Trịnh Quang Hải - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thảo Nguyên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông): Chương trình khuyến công hiện nay quy định, các hợp tác xã khi tham gia phải có vốn đối ứng 50%, nhưng nguồn vốn đối ứng này liên quan đến tài sản đóng góp của các thành viên hợp tác xã nên gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, thời gian đến cần có cơ chế hỗ trợ 100% kinh phí khuyến công hoặc có cơ chế đối ứng phù hợp hơn cho các hợp tác xã.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai công tác khuyến công còn một số tồn tại, hạn chế do kinh phí khuyến công địa phương còn thấp so với nhu cầu đầu tư của các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh; hiện vẫn còn nhiều đối tượng thụ hưởng chưa được tiếp cận về nội dung cũng như thông tin hỗ trợ kinh phí khuyến công; việc quy định thời gian từ đăng ký xây dựng kế hoạch khuyến công đến lúc triển khai thực hiện khá dài; nhiều nội dung hoạt động khuyến công theo quy định vẫn chưa thực hiện được trên địa bàn tỉnh; cần có sự phối hợp giữa ngành công thương và địa phương trong triển khai xây dựng đề án để sát với thực tế và nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng…

Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Việc thực hiện Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công đã mang lại những kết quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngành Công thương đã nỗ lực phấn đấu triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua hỗ trợ kinh phí khuyến công hàng năm.

“Trước những khó khăn, hạn chế trong triển khai thực hiện, thời gian tới Sở đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện, đổi mới trong công tác khuyến công, trong đó chú trọng ở các khâu khảo sát, xây dựng đề án, thẩm định, xét duyệt đến khâu thực hiện. Tích cực triển khai các đề án khuyến công, đẩy mạnh hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các đề án trong một số ngành, lĩnh vực là thế mạnh của địa phương, từ đó hỗ trợ vốn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đạt được cấp khu vực, cấp quốc gia, tạo động lực cho các cơ sở, các doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, sở sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại đối với sản phẩm CNNT tiêu biểu và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển bền vững.” – ông Phạm Văn Binh nhấn mạnh.

ST: PTKD

Nguồn: congthuong.vn