Gạo 721 được sản xuất trên địa bàn Tây Nguyên, nơi có độ cao trên 500m so với mặt biển, có điều kiện thiên nhiên ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với sản xuất lúa nước, từ điều kiện đó đã tạo đặc điểm khác biệt cho sản phẩm với hàm lượng chất dinh dưỡng cao, hương thơm tự nhiên, vị ngọt đậm đà, hương vị ấy rất riêng đúng với cái chất Tây Nguyên.

Công ty TNHH MTV cà phê 721 là doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu 100% vốn, thành viên của Tổng công ty cà phê Việt Nam, đóng tại Thôn 11, xã Cư Ni, huyện Eakar. Tiền thân của Công ty là đơn vị Quân đội làm kinh tế thuộc Sư Đoàn 333, Quân khu 5, đến nay đã có hơn 43 năm xây dựng và phát triển. Lĩnh vực hoạt động của Công ty hiện nay là: Sản xuất, đầu tư phát triển cà phê, lúa và các loại giống cây trồng, vật nuôi; Kinh doanh cà phê, nông sản, vật tư, hàng hóa tiêu dùng phục vụ sản xuất và đời sống; Đầu tư chế biến cà phê, lúa gạo, nông sản; Nuôi trồng thủy sản; Trong đó lĩnh vực có thế mạnh là sản xuất các loại lúa giống và sản xuất, chế biến gạo thành phẩm.

Thực hiện chủ trương đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, trong nhiều năm qua Công ty đã từng bước khắc phục các khó khăn và tạo được cơ sở vật chất, nguồn lực để phát triển. Với những trăn trở về sự phát triển của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh, về xu thế của thị trường và những yêu cầu ngày càng cao về sự an toàn đối với con người, cả môi trường sống cũng như những sản phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống từ nông nghiệp, Công ty chủ trương thực hành sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường, hiện nay, chúng tôi đã thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chuỗi trên toàn bộ diện tích, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ, 4C, hệ thống quản lý, kinh doanh, chế biến theo tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001-2015 và HACCP. Chúng tôi quyết tâm xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên theo các tiêu chí an toàn trong toàn chuỗi, từ sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, Công ty góp phần quan trọng trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và làm tốt công tác Quốc phòng, thực hiện tốt nhiệm vụ kết nghĩa với buôn đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia tích cực vào hoạt động phúc lợi xã hội, đền ơn đáp nghĩa, tặng nhà tình nghĩa, thăm hỏi, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ địa chỉ nhân đạo từ 6 đến 8 địa chỉ/năm, đóng góp quỹ vì người nghèo, ủng hộ quyên góp theo các chương trình của địa phương và Tổng công ty, tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới.

 Với những trăn trở và yêu cầu tất yếu của sự phát triển, từ năm 2015 Công ty đầu tư xây dựng Hệ thống chế biến sau thu hoạch, xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm chiến lược “GẠO BẢY HAI MỐT” gắn với khẩu hiệu hành động “TỐT CHO MỌI NHÀ”. Gạo 721 được sản xuất trên địa bàn Tây Nguyên, nơi có độ cao trên 500m so với mặt biển, có điều kiện thiên nhiên ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với sản xuất lúa nước, từ điều kiện đó đã tạo đặc điểm khác biệt cho sản phẩm với hàm lượng chất dinh dưỡng cao, hương thơm tự nhiên, vị ngọt đậm đà, hương vị ấy rất riêng đúng với cái chất Tây Nguyên.

Để có được thương hiệu Gạo 721 đáp ứng được “Tốt cho mọi nhà”, chúng tôi đã xây dựng cho mình các giải pháp thực hiện trong chuỗi hoạt động từ Sản xuất - Chế biến - Bảo quản - Tiêu thụ sản phẩm đạt theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP - HACCP - ISO 9001-2015, đây chính là điều kiện và đặc điểm riêng có của Công ty để tạo sự khác biệt, các yêu cầu cần thiết để đưa đến cho khách hàng sản phẩm Gạo 721 ngon, sạch và an toàn.

Thương hiệu Gạo Bảy Hai Mốt đã được cấp văn bằng bảo hộ bởi Cục sở hữu trí tuệ; Đạt Tốp 100 thương hiệu bền vững năm 2015; Năm 2016, 2018 được bình chọn là Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017; Là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2017; cấp khu vực Miền Trung - Tây Nguyên năm 2018; Năm 2019 vinh dự được là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia.

 Hoạt động tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các thông tin được cung cấp tới doanh nghiệp.

Hoạt động bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đây chính là những giải pháp quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng vào xây dựng Nông thôn mới, giúp cho các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp có những bước đi đúng hướng và vững chắc hơn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh và hội nhập.

Sau khi có kế hoạch từ Cục Công thương địa phương, Bộ Công thương, Công ty đã được Trung tâm khuyến công và phát triển công nghiệp, Sở Công thương tỉnh Đắc lắc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, đồng thời chúng tôi được hướng dẫn chi tiết, giúp đỡ quá trình hoàn thiện các tiêu chí cũng như xây dựng bộ hồ sơ đăng ký tham gia. Sau khi nộp hồ sơ tham gia, đoàn cán bộ, chuyên gia của Hội đồng bình chọn đã trực tiếp đến Công ty để kiểm tra, thẩm định, chúng tôi thấy rằng đoàn công tác đã rất nghiêm túc, công minh, khách quan trong quá trình đánh giá các nội dung để tham mưu cho Bộ Công thương quyết định lựa chọn sản phẩm tiêu biểu. Điều đó cũng tạo cho chúng tôi niềm tin về ý nghĩa, mục đích của chương trình này.

Tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm sau khi sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu

Sau khi sản phẩm Gạo 721 của Công ty được  chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu cấp tỉnh năm 2017, cấp khu vực năm 2018, hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực, từ việc áp dụng hệ thống chất lượng ISO 9001-2015, HACCP, chúng tôi tiến hành áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho toàn bộ diện tích lúa, tuyên truyền, hướng dẫn đến toàn thể cán bộ, công nhân viên, lao động các nội dung, công việc cụ thể theo yêu cầu của hệ thống để thực hiện đồng bộ, từ đó kỹ năng sản xuất của người lao động, năng suất, chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm bởi tác động của các chính sách chưa hợp lý, thực tế sản phẩm nông nghiệp của doanh nghiệp phải gánh chịu nhiều chi phí như tiền thuê đất sản xuất nông nghiệp, tiền thuế giá trị gia tăng, các chi phí khi áp dụng các hệ thống chất lượng, chi phí về môi trường, phòng cháy chữa cháy…từ đó sản phẩm của Công ty dù đã đạt chuẩn, tiêu biểu nhưng yếu tố cạnh tranh về giá vẫn chưa cao. Người tiêu dùng chưa nhận diện đầy đủ về an toàn trong sử dụng lương thực nên chưa thể định giá theo giá trị thực của sản phẩm mà còn phụ thuộc thị trường tự do, doanh nghiệp chưa tìm được đối tác tiềm năng từ nước ngoài để xuất khẩu.

Các chính sách, quyền lợi được cơ quan nhà nước ở địa phương và trung ương thực hiện, áp dụng đối với doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu.

Về chính sách của địa phương sau khi được cấp giấy chứng nhận, năm 2018 chúng tôi có nhận được hỗ trợ một phần kinh phí theo đề án khuyến công địa phương để bổ sung máy móc, thiết bị chế biến, giá trị 150 triệu đồng. Ngoài ra, chúng tôi được cung cấp thông tin, tham dự các hội nghị kết nối, xúc tiến thương mại do địa phương tổ chức, được hỗ trợ chi phí gian hàng trong một số hội chợ thương mại để quảng bá sản phẩm.

Việc tham gia, được lựa chọn, tôn vinh là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp là vinh dự cho đơn vị, tạo hình ảnh, lợi thế trong kinh doanh, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, ý nghĩa của chương trình cần rất nhiều điều kiện, cụ thể:  
Phải nhất quán chủ trương và tuyên truyền sâu rộng, tạo sự đồng thuận trong đơn vị về thực hiện sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, tăng cường ứng dụng các tiến bộ KHKT mới trong sản xuất nông nghiệp, duy trì việc áp dụng các hệ thống chất lượng trong chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm để giữ vững chất lượng, tính an toàn của sản phẩm đáp ứng xu hướng thị hiếu chung của tất cả người tiêu dùng. Từng bước thực hành sản xuất lúa theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ;

Thường xuyên nắm bắt thông tin từ cơ quan chức năng, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, các hội chợ để thông qua đó tiếp tục học tập kinh nghiệm trong quá trình sản xuất kinh doanh, ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong kinh doanh, khai thác tìm kiếm các cơ hội hợp tác với khách hàng tiềm năng, hướng đến xuất khẩu để nâng cao giá trị cho sản phẩm;

 Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, khách hàng, làm cho khách hàng nhận biết được sản phẩm và tính an toàn của sản phẩm, ý nghĩa, mục tiêu của việc bình chọn sản phẩm và những kết quả đạt được của Gạo 721, duy trì các tiêu chí đạt được thông qua kết quả bình chọn để phát triển bền vững;

Thường xuyên nghiên cứu cải tiến, đổi mới về công nghệ, máy móc, thiết bị, mở rộng thêm nhà xưởng, nâng công suất chế biến để tăng sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các thị trường tiềm năng mà Công ty đang hướng đến.

Các đề xuất, kiến nghị đối với các cơ quan có liên quan ở địa phương và trung ương về hoạt động bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu và các chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển sản phẩm sau khi được bình chọn:
Đốii với các cơ quan chức năng ở địa phương. Đề nghị các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện chương trình khuyến công của tỉnh tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ trong đầu tư bổ sung, đổi mới công nghệ, thiết bị để đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu Gạo 721. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ trong các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và kết nối tiêu thụ. Đề nghị các cơ quan chức năng ưu tiên trong lựa chọn sản phẩm Gạo 721 phục vụ các chương trình phúc lợi xã hội, hỗ trợ người nghèo, vùng sâu, vùng xa…trên địa bàn tỉnh.

Đối với các cơ quan chức năng ở trung ương:  Đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu trong chương trình dự trữ quốc gia về gạo không phân biệt nguồn gốc địa phương từ Nam Bộ, trên cơ sở chất lượng, giá cả, mở rộng đối tượng để doanh nghiệp trên địa bàn có thể tham gia chương trình cung ứng gạo cho dự trữ quốc gia của vùng Tây Nguyên. Sản xuất nông nghiệp đối với doanh nghiệp có những yếu tố đặc thù, nhiều rủi ro trước thiên tai và thị trường. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, có chính sách phù hợp đối với sản xuất nông nghiệp, tạo môi trường bình đẳng, lành mạnh trong sản xuất kinh doanh, đồng thời có chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp nông thôn phát triển.

 TQL-KConline