Hoàn thiện quy định pháp luật về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo sản xuất liên tục; rà soát và giãn thời gian áp dụng một số quy định gia tăng chi phí cho doanh nghiệp; tránh gia tăng chi phí bất hợp lý… sẽ tạo “đòn bẩy” giúp doanh nghiệp "vá lại các vết thương” và có sức bật phục hồi tốt hơn sau đại dịch Covid-19.

Tránh gia tăng chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp

Những rung lắc của thị trường do tác động của đợt dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp khó chồng khó. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp thành lập mới vẫn gia tăng, tuy nhiên tốc độ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng không ngừng tăng lên. Trung bình mỗi tháng có gần 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. 5 tháng đầu năm 2021, gần 60.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 từ ngày 27/4/2021 đến nay đã nhanh chóng lan ra 40 tỉnh, thành phố, trong đó có cả các trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước như TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội, khiến nhiều hoạt động kinh tế bị đình đốn.

Tính toán nhanh từ các hiệp hội ngành hàng cho thấy, sản lượng hàng hóa của các khu vực trọng điểm công nghiệp phía Bắc, cụ thể là tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc có thể sụt giảm tầm 50% do ảnh hưởng của dịch bệnh,… kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng giá trị của các chuỗi vận tải, logistics, xuất khẩu liên quan trên phạm vi toàn quốc do chuỗi liên kết sản xuất trải rất rộng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch, hàng không tiếp tục bị “đóng băng” gần như mọi hoạt động, kéo theo hơn 2 triệu lao động ngành này bị mất việc làm hoặc cắt giảm mạnh lượng công việc. Thiệt hại kinh tế mỗi ngày do giãn cách, cách ly là rất to lớn. Nếu các doanh nghiệp bị dừng hoạt động quá lâu, không tránh khỏi làn sóng phá sản doanh nghiệp sẽ xuất hiện tại Việt Nam.

Trong khi các doanh nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn do bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19 cũng như sụt giảm dòng tiền, thị trường bị thu hẹp, song đồng thời cũng đang đứng trước áp lực của việc gia tăng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh do việc áp dụng một số quy định mới.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn chứng, Nghị định 10/2010/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các loại ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Ngày 1/7/2021 là hạn cuối các loại xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp camera. Tuy nhiên, doanh nghiệp lo lắng vì chi phí tăng cao trong khi Covid-19 gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội, chi phí cho việc lắp camera khoảng 5-10 triệu đồng/xe khách và 5 triệu đồng/xe tải; chi phí truyền dẫn dữ liệu khoảng 1.200.000 đồng - 1.500.000 đồng/năm. Đây là chi phí khá lớn doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện quy định này. Quy định này đang có sự trùng lặp về mục tiêu quản lý nhà nước.

Hiện tại, theo quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải, doanh nghiệp vừa phải lắp camera, vừa phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Nhiều thông tin từ hai thiết bị này gần như trùng khớp nhau. Mặt khác, bên cạnh yêu cầu lắp các thiết bị này, các quy định hiện hành cũng yêu cầu về trách nhiệm của doanh nghiệp, bến xe hàng phải thực hiện một số nghĩa vụ để kiểm soát việc lái xe an toàn.

Hoặc tại địa phương, phí hạ tầng cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh sẽ chính thức thu từ 1/7/2021. Mức thu cao nhất là 4,4 triệu đồng/container, mức thấp nhất là 15.000 đồng/tấn đối với hàng rời không đóng trong container. Với số lượng hàng hóa của năm 2019 hơn 170 triệu tấn thì dự kiến TP. Hồ Chí Minh thu hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm. Cảng Cát Lái là nơi đầu tiên triển khai thu phí từ tháng 7/2021, sau đó tháng 8 sẽ thu phí ở tất cả cảng còn lại tại thành phố.

Mặc dù việc thu phí để sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông cảng biển, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, nhưng nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang lo lắng trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, mức thu kể trên sẽ làm chi phí xuất nhập khẩu tăng lên, nhất là với những doanh nghiệp mở tờ khai ngoài TP. Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều chính sách cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19, VCCI cho rằng, những quy định tương tự như trên cần được xem xét cẩn trọng và lùi thời hạn áp dụng. Đề nghị các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần đánh giá tác động của quy định, tránh gia tăng chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp.

Nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Do tình hình mới của dịch Covid-19, Việt Nam cần chuyển mạnh sang giai đoạn mới vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa sản xuất liên tục an toàn. Đề xuất các chính sách, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tình hình hiện nay, VCCI kiến nghị, cần nhanh chóng ban hành quy định pháp luật một cách thống nhất dựa trên thực tiễn triển khai Chỉ thị 15, 16 và 19 cũng như các biện pháp phòng chống dịch khác với tiêu chí đánh giá cụ thể theo mức độ rủi ro của tình hình dịch để tạo thuận lợi cho chính quyền các địa phương trong việc áp dụng cũng như phối hợp với các địa phương khác.

Quy định này cần đặt trọng tâm vào các chính sách, giải pháp đảm bảo sản xuất liên tục trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, để từ đó góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được đặt ra theo yêu cầu của Chính phủ. Việc hệ thống hoá và quy định chi tiết các biện pháp áp dụng như trên cũng giúp cộng đồng doanh nghiệp có thể chủ động lên phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, từ đó giảm thiểu rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất.

Bên cạnh việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh,… cần xem xét hỗ trợ hoặc điều chỉnh một số chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng giảm như: điều chỉnh giá một số yếu tố đầu vào; điều chỉnh giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021;…

Nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đầy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp.

Nghiên cứu của VCCI phối hợp với Ngân hàng Thế giới công bố ngày 12/3/2021 cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đang gặp những khó khăn chưa từng thấy do tác động của dịch Covid-19. Theo đó, có tới 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Thị trường nội địa bị thu hẹp và các chuỗi cung ứng bị gián đoạn là những khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp gặp phải. Do tác động của dịch Covid-19, có tới 65% doanh nghiệp tư nhân và 62% doanh nghiệp FDI bị giảm doanh thu năm 2020 so với năm 2019. Mức giảm doanh thu trung bình với doanh nghiệp tư nhân là 36% và doanh nghiệp FDI là 34%.

Theo Báo Công Thương