Làng nghề Việt Nam đã và đang có những đóng góp tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, vào kim ngạch xuất khẩu song các làng nghề hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, manh mún, nhỏ lẻ, đặc biệt là chưa có sự liên kết về du lịch. Điều này làm hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) hiện nay.

Đó là nhận định của ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - tại Hội thảo “Đổi mới, sáng tạo năng lực tiếp cận thị trường ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN), làng nghề Việt Nam” với sự tham gia thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các nghệ nhân, thợ giỏi và chủ các cơ sở sản xuất hàng TCMN của Hà Nam và các tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội… Hội thảo tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc, thực trạng sản xuất, tiêu thụ và năng lực tiếp cận thị trường hiện nay của ngành TCMN, nhất là đối với sản phẩm dệt lụa, gỗ mỹ nghệ, mây tre đan… nhằm hướng tới xây dựng khung năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp để phù hợp với thực tế của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng hơn 5.400 làng nghề, tạo việc làm cho khoảng 11 triệu lao động. Các mặt hàng TCMN của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt hàng tỷ USD.
Ông Nguyễn Vi Khải - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - cho rằng, việc phát triển du lịch làng nghề góp phần giải quyết việc làm, phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn. Làng nghề nước ta với nhiều ngành nghề không đòi hỏi nhiều vốn hay yêu cầu kỹ thuật cao, chủ yếu là tận dụng lao động và có khả năng làm việc trong từng hộ gia đình. Bên cạnh đó, giá trị lao động sống trong giá thành sản phẩm chiếm tỷ lệ cao, thường chiếm khoảng 40-60%. Do vậy, các làng nghề thu hút được nhiều lao động nông thôn. Du lịch làng nghề sẽ đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ sản phẩm tại làng nghề, phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, từng bước công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông thôn. Kéo theo các hoạt động khác phát triển theo như dịch vụ, vận chuyển... Điều đó cho thấy, vai trò của du lịch xã làng nghề càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

 
Làng dệt lụa Nha Xá (Hà Nam) từng bước hiện đại hoá các khâu sản xuất

Tuy nhiên, để phát triển du lịch tại làng nghề trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp và hộ gia đình đơn lẻ không thể thực hiện hiệu quả được vì bản chất du lịch đòi hỏi tính cộng đồng cao, đòi hỏi sự liên kết của các ngành, các vùng. Đây là hạn chế của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề hiện nay.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nam - cho biết, tại Hà Nam, từ năm 2004 đến nay, tỉnh đã quyết định công nhận 65 làng nghề, bao gồm 35 làng nghề truyền thống và 30 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các làng nghề đang thu hút hàng chục nghìn lao động tham gia làm nghề với thu nhập từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của Hà Nam đạt trên 3.000 tỷ đồng/năm. Riêng giá trị sản xuất ở lĩnh vực TCMN trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 200 tỷ đồng/năm; giá trị xuất khẩu hàng TCMN đạt 5 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành TCMN ở Việt Nam nói chung và tại Hà Nam nói riêng vẫn còn những hạn chế. Hầu hết các sản phẩm TCMN xuất khẩu đều phải thông qua các doanh nghiệp trung gian, thông qua các sản phẩm thô hoặc gia công cho những thương hiệu nước ngoài. Sản phẩm làng nghề ngày càng bị mai một hoặc không giữ được thương hiệu vốn có… Thêm vào đó, những khó khăn về cơ sở hạ tầng cũng gây hạn chế cho việc phát triển du lịch làng nghề tại địa phương hiện nay. “Do đó, trong chiến lược phát triển thị trường làng nghề, tỉnh Hà Nam hướng tới phát triển du lịch gắn với làng nghề, trong đó xây dựng các điểm du lịch làng nghề theo chuỗi để thu hút khách du lịch” - ông Sơn cho hay.
Cùng quan điểm với ông Sơn, bà Trần Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Lụa Vạn Phúc (Hà Nội) - đã chia sẻ những khó khăn và hạn chế hiện tại, đồng thời kêu gọi sự chung sức của các làng nghề trong việc đẩy mạnh hoạt động du lịch làng nghề hướng tới xuất khẩu tại chỗ hàng thủ công, làm tăng nguồn ngoại tệ.
Bà Lan cho rằng, việc tạo ra đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch có khả năng thích ứng với xu thế phát triển là vô cùng quan trọng. Do du lịch làng nghề phát triển sẽ thu hút lực lượng lao động lớn, đồng thời cũng sẽ tạo ra đội ngũ lao động có tay nghề cao và lớp nghệ nhân mới nên thông qua lực lượng này, làng nghề có thể tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường để thu hút khách du lịch.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng phân tích, việc quy hoạch sản phẩm làng nghề theo hướng mỗi làng một nghề và quy hoạch làng nghề gắn với phát triển du lịch còn lúng túng, chưa hiệu quả. Trong đó, phong trào phát triển “mỗi làng một sản phẩm” còn mang tính hình thức, mạnh ai nấy làm, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm làng nghề còn chưa hiểu hết về chương trình này. Ngoài ra, các chiến lược quy hoạch chưa mang tính tổng thể dẫn đến sự phát triển của các làng nghề mang tính tự phát, gây ra ô nhiễm môi trường trong các làng nghề nên chưa thu hút được khách du lịch đến tham quan.
Các làng nghề phân tán rải rác nên việc di chuyển và giao thông không tiện lợi; cơ sở hạ tầng vật chất như đường giao thông, hệ thống cấp điện, khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các làng nghề còn chưa thể hiện sức hút của một địa điểm du lịch, chất lượng phục vụ du khách còn yếu cũng làm hạn chế sự phát triển du lịch làng nghề…
Trước thực trạng này, các chuyên gia, nhà khoa học, các nghệ nhân, thợ giỏi và chủ các cơ sở sản xuất đã đưa ra những đề xuất, định hướng nhằm hoàn thiện chính sách nhà nước về kế hoạch làng nghề, về bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực và chính sách thương mại để tăng cường sự liên kết trong phát triển du lịch làng nghề Việt Nam những năm tới. Trong đó, chú trọng xây dựng hình ảnh làng nghề; phát triển thương hiệu làng nghề, thương hiệu doanh nghiệp; quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động; tìm kiếm thị trường xuất khẩu; cải tiến mẫu mã, sản xuất những sản phẩm đặc trưng của doanh nghiệp; tăng cường sự liên kết trong phát triển du lịch làng nghề…
Để tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề về tiếp cận thị trường mới, cần xác định tăng cường sự liên kết trong phát triển du lịch làng nghề là định hướng đúng đắn, phù hợp, cần được ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch. Do đó, để có được chính sách nhà nước nhằm phát triển du lịch làng nghề TCMN thực sự phù hợp, minh bạch, thống nhất và ổn định đòi hỏi phải có sự đồng tình, hợp tác, liên kết chặt chẽ của nhiều tổ chức, ban ngành và bản thân các làng nghề.

 

Nguồn sưu tầm: Báo Công Thương