Hiệu quả "vốn mồi" từ chương trình khuyến công
Với tổng nhu cầu vốn gần 1.900 tỷ đồng, đề án “Phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025” sẽ ưu tiên tập trung phát triển các nhóm ngành, sản phẩm CNNT có thế mạnh của các địa phương về nguồn tài nguyên, lao động và thân thiện với môi trường.
Trong 2 năm 2019 - 2020, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư trên 1,5 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các cơ sở CNNT trang bị máy móc thiết bị. Sắp tới, huyện tranh thủ các nguồn vốn, tiếp tục hỗ trợ các cơ sở CNNT, chú trọng các làng nghề có tiềm năng như đệm bàng Phò Trạch, điêu khắc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích…
Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt, để tiếp sức cho làng nghề đệm bàng Phò Trạch, từ nguồn vốn khuyến công quốc gia năm 2020, mới đây, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ 200 triệu đồng trang bị máy cắt laser và máy sấy lạnh phục vụ sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ống hút từ cỏ bàng. Các thiết bị này góp phần giúp doanh nghiệp (DN) mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hằng năm, từ nguồn vốn khuyến công, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ cho các cơ sở CNNT khoảng 2 tỷ đồng để đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo nghề và xúc tiến quảng bá sản phẩm. Các địa phương tranh thủ các nguồn vốn đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng các khu trưng bày sản phẩm và hỗ trợ máy móc hiện đại phục vụ sản xuất.
Thừa Thiên Huế sẽ ưu tiên phát triển làng nghề nhằm phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường
Ông Trần Văn Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất tinh dầu Kim Vui - cho rằng: Để sản phẩm đến được với người tiêu dùng, cùng với việc nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, năng suất phải cao và giá thành hợp lý. Với nguồn hỗ trợ 300 triệu đồng từ vốn khuyến công trong năm 2020, DN đầu tư thêm 700 triệu đồng đầu tư dây chuyền chiết rót tinh dầu, góp phần tiết giảm nhân công, nâng công suất chiết rót tăng gấp 3 lần so với dây chuyền thủ công.
Tái cơ cấu công nghiệp
Để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành CN, ngành Công Thương Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh triển khai công tác xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm CN, trong đó ưu tiên hỗ trợ máy móc và nhãn hiệu cho các sản phẩm CNNT đã đạt giải cao tại các hội thi, bình chọn cấp tỉnh, cấp quốc gia và các thương hiệu uy tín...
Theo ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế, sắp tới tỉnh sẽ chú trọng phát triển CN bền vững theo hướng phát triển kinh tế xanh trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển theo hướng tăng cường hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, sử dụng thiết bị công nghệ tiên tiến trong tổ chức sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của ngành CN. Tập trung ưu tiên hình thành và phát triển các ngành CN có thế mạnh và lợi thế cạnh tranh, như: CN hỗ trợ dệt may, năng lượng tái tạo, sản xuất - lắp ráp ô tô, chế biến sâu và sử dụng sản phẩm chế biến sâu silicat (thạch anh) để sản xuất sản phẩm mới…
Các DN tại Thừa Thiên Huế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh
Ngành Công Thương Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chính sách phát triển CNNT, ưu tiên thúc đẩy di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào đầu tư mở rộng sản xuất tại các cụm CN, phát triển hoạt động sản xuất trong các cụm CN, thúc đẩy CNNT phát triển. Rà soát, lập danh mục các DA đầu tư trọng điểm lĩnh vực CN của tỉnh cần kêu gọi đầu tư đoạn đến năm 2025, trong đó tập trung các ngành CN ưu tiên mang tính động lực phát triển kinh tế địa phương. Tập trung phát triển nguồn nhân lực có chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất. Đồng thời khuyến khích các DN áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp.
Theo: Congthuong.vn