Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cho biết: “Hiện trên địa bàn Thành phố có 70 CCN hoạt động tại 17 quận, huyện và thị xã với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha, trong đó, có 1.392 ha được đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định. Các CCN đã thu hút khoảng 3.864 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60 nghìn lao động, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.

 

1.  Lịch sử vấn đề - thuật ngữ khái niệm

Mô hình cụm công nghiệp (CCN) được sử dụng ngày càng nhiều trên thế giới nhằm tận dụng các lợi thế cạnh tranh bên ngoài để hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng và địa phương. Có nhiều cách hiểu khác nhau về CCN. Theo Marshall (1926), Weber (1978), Ohlin (1933) và Hoover (1948), các doanh nghiệp tập trung tại một khu vực địa lý nằm tận dụng lợi ích kinh tế theo quy mô. Các cách hiểu về CCN hiện nay đều có điểm chung coi CCN là một thể chế tạo ra sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp chứ không đơn thuần chỉ coi CCN là một khu vực kỹ thuật có hạ tầng hiện đại. Sonobe và Otsuka (2006) coi CCN là sự tập trung về mặt địa lý của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tương tự hoặc có liên quan với nhau trong một khu vực nhỏ. Khái niệm cụm công nghiệp này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm của các làng nghề ở Việt Nam. 

Tại một sô nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia… những mô hình về CCN Làng nghề đã xuất hiện khá nhiều và có hiệu quả.Còn tại Việt Nam trong mấy năm gần đây, vấn đề CCN và CCN làng nghề đã đặt ra cho phát triển nông thôn mới như là một nội dung cấp thiết. Trên phạm vi 63 tinh, thành trên cả nước đã coi đây là một mô hình phát triển công nghiệp địa phương hiệu quả đáp ứng nhiều mục tiêu kinh tế, văn hoá, xã hội…
 
Phương án phát triển CCN là việc sắp xếp, phân bố không gian phát triển các CCN hợp lý gắn với các chính sách, giải pháp quản lý, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn cấp tỉnh trong từng thời kỳ trên cơ sở bảo vệ môi trường, tiết kiệm, hiệu quả sử dụng đất và các nguồn lực, tài nguyên khác của địa phương. Phương án phát triển CCN là một nội dung của quy hoạch tỉnh, được xây dựng, tích hợp vào quy hoạch tỉnh theo pháp luật quy hoạch. Đây là những mục tiêu cơ bản của việc xây dựng CCN và CCN làng nghề.

Về thuật ngữ, khái niệm có khoảng 12.900.000 kết quả (0,48 giây) với nhiều cách diễn đạt khác nhau, có quan niệm cho rằng đây là “cụm tiểu thủ công nghiệp” (QĐ 880/QĐ-TTg, ngày 9/6/2014) dự án qui hoạch CCN- Tiểu thủ công nghiệp tại  Thái Nguyên. Có cách diễn đạt vắn tắt là “cụm làng nghề” hoặc đâu đó lại lẫn lộn với “khu công nghiệp tập trung” … Để thống nhất về quan niệm, văn bản số 68/2017NĐ-CP  đã nêu và có sự phân biệt nhất định giữa “cụm công nghiệp” và Cụm công nghiệp làng nghề.

CCN là nơi sản xuất, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, được đầu tư xây dựng nhằm thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh.

CCN làng nghề là CCN phục vụ di dời, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, phát triển nghề, làng nghề ở địa phương. (theo văn bản số 68/2017NĐ-CP).

2. Thực trạng thu hút đầu tư tại CCN và CCN làng nghề

Hiện nay, cả nước có 968 CCN đã được thành lập, phân bố tại 63 tỉnh, thành phố (với tổng diện tích chiếm đất gần 31.000 ha).  Đến năm 2020 của cả nước có 1.467 CCN với tổng diện tích 48.899 ha. Số CCN tập trung nhiều ở vùng Duyên hải miền Trung, vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ.

Theo tổng hợp từ các địa phương, tính đến nay tổng vốn đã đầu tư hạ tầng của các CCN là 15.762 tỷ đồng; Hình thức đầu tư hạ tầng chủ yếu là cuốn chiếu (vừa đầu tư hạ tầng vừa cho thuê đất). Cả nước có 721 CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng với tổng diện tích xấp xỉ 20.056 ha. Có 472 CCN (với tổng diện tích khoảng 13.273ha) đã được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật với tổng mức vốn đầu tư 44.891 tỷ đồng (trung bình 3,4 tỷ đồng/ha), đã và đang tiến hành đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, quá trình xây dựng CCN và CCN làng nghề đã bộc lộ những khó khăn vướng mắc ngay từ văn bản 68/NĐ-CP 2017 với nội dung cụ thể cần được làm tôt hơn: “Dự kiến nhu cầu mặt bằng sản xuất để thu hút đầu tư, di dời vào CCN, hiện trạng sử dụng đất, nguồn vốn đầu tư, tiến độ đầu tư hạ tầng, khả năng kết nối với hạ tầng bên ngoài, tư cách pháp nhân, năng lực của chủ đầu tư, dự báo tác động, biện pháp xử lý môi trường … 

Chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN sẽ tận dụng và phát huy được lợi thế về đất đai, nguồn nguyên liệu, tay nghề lao động sẵn có tại nông thôn; Góp phần di dời các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các làng nghề nông thôn; Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, thu nhập ở nông thôn thông qua thu hút các dự án đầu tư, tạo ra việc làm cho lao động nông thôn, duy trì phát triển nghề, làng nghề truyền thống, các sản phẩm mới ở nông thôn. Tuy nhiên những nội dung đó chưa có hiệu quả cao như ý muốn. Nhiều nơi còn lúng túng, khi triển khai gặp nhiều khó khăn vướng mắc và tiến độ rất chậm.

Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề nhất cả nước khi thực hiện chủ trương xây dựng CCN và CCN làng nghề thì triển khai còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan. Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cho biết: “Hiện trên địa bàn Thành phố có 70 CCN hoạt động tại 17 quận, huyện và thị xã với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha, trong đó, có 1.392 ha được đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định. Các CCN đã thu hút khoảng 3.864 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60 nghìn lao động, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm. Trong đó có 26 CCN có các hạng mục công trình hạ tầng tương đối đồng bộ như các CCN: Quất Động mở rộng, Ngọc Hồi, Từ Liêm, thị trấn Phùng…, giúp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, đóng góp tích cực cho kinh tế Thủ đô.” Tuy nhiên, mới có CCN làng nghề Đại Thắng và CCN làng nghề Phú Túc (huyện Phú Xuyên) được khởi công, còn lại hầu hết đều chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do quy định của văn bản pháp luật, có trên 10ha đất lúa phải trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương chuyển đổi, trong khi đó đến nay mới có 2/20 cụm có văn bản chấp thuận chủ trương.

Để có thể khởi công 41 cụm công nghiệp còn lại theo đúng tiến độ đề ra, các cấp, ngành, địa phương của thành phố cần thực hiện tốt Kế hoạch số 89/KH-UBND của UBND Thành phố Hà Nội về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm tiến độ trên địa bàn. Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp UBND Thành phố đã chỉ đạo để tháo gỡ từng "nút thắt" đang ảnh hưởng đến tiến độ khởi công xây dựng các dự án CCN, phù hợp với điều kiện thực tế.

3. Một số nguyên nhân chính cần được bàn luận

Thứ nhất, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng trên là do quy định của văn bản pháp luật, một số điều khoản không khả thi, chúng ta đã kịp thời có văn bản 66/2020/NĐ-CP về thay đổi một số điều của nghị định số 68/2017/NĐ-CP.

Thứ hai, do việc quy hoạch CCN dàn trải, chỉ chú trọng về số lượng, chưa gắn với phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật... đã dẫn đến những bất cập. 

Nghị định 68/2017/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý thống nhất, rõ ràng hơn, góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ở địa phương. Tuy nhiên, việc chấp hành một số nội dung, quy định của Nghị định 68 tại một số địa phương còn chưa nghiêm túc, đầy đủ. Nhiều địa phương vẫn còn gặp khó trong việc triển khai Nghị định này như Quy định về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển CCN nay không còn phù hợp với Luật Quy hoạch nên việc lựa chọn chu đầu tư cần được hướng dẫn cụ thể hơn.    

Để khắc phục tình trạng này “Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng, hoàn thiện thể chế, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động liên quan đến CCN; thường xuyên cung cấp thông tin, trao đổi và phối hợp trong việc quản lý Nhà nước về CCN. Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ, đúng quy định đối với phát triển CCN tại các địa phương từ khâu quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng đến hoạt động
 của các CCN”. 

Theo ông Đàm Tiến Thắng PGĐ Sở Công thương HN, nguyên nhân nữa là do phê duyệt tại các thời điểm khác nhau nên mặc dù có nhiều CCN đã nằm trong quy hoạch phát triển, nhưng khi triển khai thành lập cụm theo Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 lại “vướng” vào một số diện tích đất không phải của CCN, hoặc mục đích sử dụng đất chưa được cập nhật.

Thứ ba, là đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ, ô nhiễm môi trường, tình trạng chậm tiến độ hoặc không triển khai thực hiện dự án… Quan niệm về hạ tầng phiến diện không chỉ là đường xá giao thông, điện, nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước khắc phục ô nhiễm môi trường… mà còn là hệ thông ngân hàng, mặt bằng sản xuất, hạ tầng kỹ thuật máy móc, khi hội nhập với CMCN 4.0 đòi hỏi hạ tầng thông tin – internet thuận tiện…

Tóm lại, việc triển khai chủ trương xây dựng CCN và CCN làng nghề chưa đạt yêu cầu về tiến độ chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. …Không ít vấn đề về chính sách, về các loại quy hoạch chồng chéo, về quản lý nhà nước trong đất đai cần điều chỉnh, bổ sung thì mới thu hút đầu tư hiệu quả cho các CCN và CCN làng nghề.

4. Kiến nghị và giải pháp

Thứ nhất, di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, có thể đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất, nhưng với tập quán thói quen của làng nghề lâu đời chưa thích ứng cần được sự tự nguyện và hiểu biết thấu đáo. Do đó việc tuyên truyền vận động trong quá trình thực hiện là cần thiết.

Thứ hai, thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, coi đây là ưu tiên số một. Mặc dù, công tác giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó nhất.

Thứ ba, tăng cường trách nhiệm quản lý của các cấp có khu CCN, thực tế cho thấy không ít CCN bị “biến dạng” – “không ít địa phương đã tập trung xây dựng các CCN làng nghề để đưa các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Nhưng thực tế, số hộ dân chịu di dời khá khiêm tốn. Trong khi đó, nhiều CCN nếu không trở thành các bãi cỏ ùm tùm, bỏ hoang phí thì lại biến tướng trở thành các khu dân cư, dịch vụ sầm uất với tràn lan vi phạm.” (SGGP Thứ Ba, 31/5/2022)

Thứ tư, Nhà nước các cấp cần có chính sách tài chính thông thoáng khuyến khích với CCN và CCN làng nghề. Việc đền bù để lấy đất chưa thoả đáng nên nhiều nơi chưa giải phóng mặt bằng đúng tiến độ. Người dân lâu nay quen với quy mô sản xuất hộ gia đình, nhưng khi di chuyển lên CCN phải có tiền thuê đất, kinh phí xây xưởng và nhiều vấn đề phát sinh khác. Đây chính là những rào cản khiến nhiều hộ sản xuất dù rất muốn chuyển vào CCN nhưng đành chịu. Cùng với đó, các cơ quan chức năng ở địa phương cũng chưa thực sự quyết liệt trong việc xử lý những cơ sở gây ô nhiễm.

Thứ năm, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng CCN nói chung và các giải pháp thu hút đầu tư phát triển CCN và CCN làng nghề nói riêng. Thực tiễn mấy thập niên khởi sắc, chấn hưng làng nghề Việt Nam cho thấy, các tổ chức xã hội là cầu nối quan trọng tạo mối liên kết kép giữa làng nghề với Nhà nước với các nhà khoa học với các doanh nhân, giữa kinh tế với xã hội và văn hoá, giữa truyền thống và hiện đại hài hoà, ngày càng có nhiều sản phẩm nâng tầm giá trị vật thể và phi vật thể.

Trong Quyết định số 801/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phú ban hành ngày 07 tháng 7 năm 2022 về việc phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030” có nội dung ghi rõ: “Các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ và điều lệ hoạt động chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và các cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp và hội viên tham gia thực hiện bảo tồn và phát triển làng nghề. Tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể phù hợp với nội dung, nhiệm vụ Chương trình; tham gia giám sát việc thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật.

Có 7/8 dự án ưu tiên bằng ngân sách Nhà nước để bảo tồn và phát triển các giá trị của nghề, làng nghề từ nay đến năm 2030 đều khẳng định vai trò của các Hiệp hội.

Theo Làng nghề Việt