Qua gần 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) ngành Công Thương đã ghi dấu ấn đặc biệt.  Theo đó, xác định đầu tư, phát triển hạ tầng điện (tiêu chí số 4) và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (tiêu chí số 7) là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng hạ tầng NTM, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện.

Đối với tiêu chí số 4, hệ thống lưới điện khu vực nông thôn cả nước được hoàn thiện nhờ sự đầu tư, nâng cấp từ nhiều nguồn vốn đáp ứng nhu cầu điện sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tính đến hết tháng 8 /2019, cả nước có 8.072/8.902 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 90,7% tổng số xã của cả nước. Các vùng có tỷ lệ xã đạt tiêu chí số 4 cao gồm: Đồng bằng sông Hồng đạt 99,9%; khu vực Bắc Trung Bộ đạt 95,5%; vùng duyên hải Nam Trung Bộ đạt 96,4%; vùng Đông Nam Bộ đạt 90,1%.

Tương tự với tiêu chí số 7, hệ thống chợ được đầu tư đúng quy hoạch, phù hợp với tình hình thực tế đã phát huy hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Đến nay, cả nước có 7.867/8.902 xã đạt tiêu chí số 7 chiếm 88,4% tổng số xã của cả nước. Con số này vượt xa mục tiêu của Chính phủ giao (70%) và mục tiêu của chính Bộ Công Thương đã đề ra (50%).

Mặc dù đạt những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên theo Bộ Công Thương công tác thu hút đầu tư, triển khai thực hiện tiêu chí số 4 và 7 còn gặp nhiều khó khăn. Với tiêu chí số 4, khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn vốn. Đầu tư lưới điện nông thôn là đầu tư hạ tầng, trong khi lượng điện, tiêu thụ điện tại các vùng nông thôn ít, doanh thu bán điện thấp trong khi khối lượng và chi phí vốn đầu tư quá lớn. Hầu hết các dự án cấp điện nông thôn không đảm bảo tính khả thi về kinh tế-tài chính nên khó vay vốn của các tổ chức trong và ngoài nước, ngoại trừ các nguồn được hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, do một thời gian khá dài lưới điện nông thôn phát triển theo khả năng huy động các nguồn vốn của từng địa phương, từng xã, huyện mà không theo quy hoạch nên nhiều nơi mang tính chắp vá, cũ nát.

Với tiêu chí số 7, đa số các chợ nông thôn đã được xây dựng từ lâu, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu các hạng mục thiết yếu, hoạt động không hiệu quả, không thu hút được đầu tư, xã hội hóa. Trong khi nguồn vốn ngân sách dành cho phát triển lại rất hạn chế, không đáp ứng nhu cầu. Nhận thức thức của một bộ phận người dân, tiểu thương kinh doanh sợ mất quyền lợi, không muốn thay đổi nên ảnh hưởng đến công tác chuyển đổi mô hình quản lý, tư tưởng còn trông chờ, ỷ lại.

Nhận thức được trách nhiệm quan trọng của ngành trong hoàn thành Chương trình MTQG xây dựng NTM, Bộ Công Thương đã đặt ra những mục tiêu trước mắt và lâu dài cùng đó là những giải pháp thực hiện.

Theo đó, Bộ tiếp tục cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống lưới điện nông thôn, giữ vững tiêu chí số 4 của các xã đã hoàn thành; đến hết năm 2020, phấn đấu có 95% số xã đạt tiêu chí về điện nông thôn.  Cùng đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chợ nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo quy hoạch, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân; đến năm 2020, dự kiến sẽ có 90% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 7.

Để hoàn thành những mục tiêu trên, Bộ Công Thương nâng cao chất lượng phong trào thi đua “ngành Công Thương chung sức xây dựng NTM”; đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên và người lao động ngành Công Thương hiểu đầy đủ bản chất nhân văn của xây dựng NTM. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Công Thương rà soát mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2016-2020 để hoàn thành chương trình NTM. Chủ động bắt tay vào xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện tiêu chí số 4 và số 7 giai đoạn sau năm 2020 theo hướng xác định rõ mục tiêu gắn với tình hình hình thực tế.

Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan bố trí nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp và mở rộng lưới điện nông thôn, ưu tiên các xã thuộc kế hoạch NTM vào các dự án mục tiêu nhằm sớm hoàn thành tiêu chí; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn khác nhau cho đầu tư xây dựng phát triển lưới điện nông thôn.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án chợ nằm trong danh mục đầu tư của các xã NTM; tăng cường, vận động, huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, khai thác, quản lý để cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ hiện có và các cơ sở bán lẻ hiện đại theo tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Nghiên cứu xây dựng cơ chế phù hợp khuyến khích các tổ chức trong và ngoài nước tham gia vào đầu tư phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Phối hợp chính quyền địa phương vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện tiêu chí 4 như: Tham gia thực hiện và bảo vệ hành lang lưới điện, các công trình điện; đầu tư hệ thống điện gia đình và sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất bảo đảm an toàn. Phổ biến các quy định pháp luật trong sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng các chợ ngày càng văn minh, hiện đại.

Về kế hoạch thực hiện tiêu chí số 4 và 7 trong thời gian sau năm 2020, đối với tiêu chí số 4, Bộ sẽ nghiên cứu đầu tư cấp điện với dạng năng lượng khác như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, kết hợp mặt trời ắc qui…đối với các thôn bản chưa có điện, đó là những nơi dân cư phân bố thưa thớt, quá xa nguồn điện, suất đầu tư cao không thể cấp điện bằng nguồn lưới điện quốc gia. Phối hợp với các địa phương hoàn thành chương trình xóa câu phụ, đảm bảo mỗi hộ dân được sử dụng điện của ngành điện và hoàn thành đầu tư các dự án, chương trình cấp điện cho nông thôn.

Bộ cũng sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tập trung nâng chất hệ thống chợ nói riêng và cơ sở hạ tầng thương mại nói chung, đảm bảo đáp ứng các quy định về tiêu chí số 7 trong bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới. Hỗ trợ địa phương đào tạo tập huấn, nghiệp vụ quản lý, kinh doanh và khai thác chợ; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tham gia gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tổ chức kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Phát triển, nhân rộng các mô hình, mạng lưới cửa hàng kinh doanh tổng hợp, hệ thống cửa hàng tiện lợi phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng tại các địa phương.

TQL-TTCN

 

 

Tin đã đăng