Trong năm 2019, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức lớp truyền nghề thủ công mỹ nghệ cho 1.300 lao động nông thôn; hỗ trợ 14 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn Thành phố có dự án đầu tư thiết bị và ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất.

Sở Công Thương Hà Nội vừa thông tin về việc thực hiện đào tạo nghề, truyền nghề thủ công mỹ nghệ cho các lao động nông thôn và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các sở ngành nghề công nghiệp nông thôn trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Sở Công Thương tiến hành khảo sát các chương trình khuyến công năm 2019, gồm: Tổ chức 38 lớp truyền nghề thủ công mỹ nghệ cho 1.300 lao động nông thôn; hỗ trợ 14 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố có dự án đầu tư thiết bị và ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất.

Đồng thời tổ chức 15 lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp marketing, thiết kế mẫu sản phẩm cho khoảng 1.500 chủ cán bộ quản lý tại các cơ sở công nghiệp nông thôn. Các nội dung này sẽ được Sở Công Thương triển khai vào 6 tháng cuối năm 2019.
 Liên quan đến hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề, tính đến hết ngày 15/5/2019, Sở Công Thương nhận được văn bản đăng ký hỗ trợ xây dựng thương hiệu của 7 làng nghề của các huyện: Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín, Ba Vì. Theo đó, Sở đã trình UBND Thành phố xem xét hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề…

Về chương trình phát triển cụm công nghiệp, theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030, trên địa bàn thành phố có 159 cụm công nghiệp. Tính đến hết tháng 6/2019, có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động.

Năm 2018, Toàn thành phố đã thành lập mới 5 cụm công nghiệp. Con số này năm 2019 là 3 cụm công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 21 cụm công nghiệp đã có trạm xử lý nước thải tập trung (trong đó có 9 cụm công nghiệp do chủ đầu tư thực hiện, 12 cụm công nghiệp được đầu tư 11 trạm xử lý nước thải theo Quyết định 7209/QĐ-UBND, ngày 2/12/2013, của UBND Thành phố.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2019, trên cơ sở hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề, Sở Công Thương sẽ cùng với các huyện: Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thường Tín, Đông Anh, Ba Vì thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu làng nghề theo quy định. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục triển khai lớp truyền nghề thủ công mỹ nghệ theo kế hoạch khuyến công năm 2019. Tiếp tục tổ chức tập huấn khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp marketing, thiết kế mẫu sản phẩm cho các cán bộ quản lý tại các cơ sở công nghiệp nông thôn; khảo sát và trình UBND  Thành phố phê duyệt danh mục 15 dự án hỗ trợ máy móc thiết bị theo kế hoạch khuyến công năm 2019 theo quy trình và tiêu chí hiện hành.

Ngoài ra, Sở Công Thương tiếp tục thông tin, mời doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề Hà Nội tham gia các hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố để hỗ trợ quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn đến người tiêu dùng cả nước.


(Nguồn:Chinhphu.vn)