Nội dung chi tiết Thông báo hướng dẫn tải về tại đây
Nguyên tắc chung xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2023
Kế hoạch và dự toán kinh phí KCQG năm 2023 đảm bảo xây dựng theo đúng quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn về khuyến công, có thuyết minh cơ sở pháp lý, căn cứ tính toán dựa trên mức chi và khung định mức theo quy định, đảm bảo phù hợp với tiến độ thực hiện đến hết 31 tháng 12 năm 2023. Kế hoạch KCQG năm 2023 gắn với việc tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung hoạt động quy định tại Quyết định số 1881/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021- 2025 và chủ trương, giải pháp đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra về “phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh”, “chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương”.
Tăng cường hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tiếp cận kinh tế số thông qua hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thông minh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, theo hướng số hóa và kết nối cao các thiết bị máy móc, tăng cường sự chủ động, linh hoạt trong mọi hoạt động; tiết kiệm nguồn lực, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp; giải quyết tốt những vấn đề xã hội, ô nhiễm môi trường; quá trình sản xuất dựa trên khả năng sử dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, dữ liệu lớn (Big Data) và internet vạn vật (IoT)... để tự vận hành, thay đổi cách thức sản xuất truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng vượt trội.
Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT tham gia đầu tư phát triển sản xuất tại các cụm công nghiệp, mạnh cả về số lượng, quy mô dự án, đa dạng các lĩnh vực đầu tư theo quy định. Hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản. Hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.
Việc khảo sát, xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2023 tiếp tục theo hướng nâng cao chất lượng, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Mỗi địa phương phấn đấu xây dựng được đề án điểm trên cơ sở chủ trương, định hướng, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trong trung và dài hạn, đảm bảo có tác động lan tỏa, hỗ trợ sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của vùng, địa phương.
Xét ưu tiên đối tượng thụ hưởng của chương trình KCQG là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã; ưu tiên các đề án điểm, đề án nhóm. Sắp xếp thứ tự ưu tiên các đề án đăng ký theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2023. Quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.
Các nội dung hoạt động khuyến công cần tập trung
Hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới. Ưu tiên xây dựng các mô hình về chế biến nông lâm thủy sản, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp; mô hình tổ chức sản xuất theo hướng tuần hoàn, phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững cho các đối tượng yếu thế ở địa bàn khó khăn; mô hình khác theo nhu cầu của sản xuất, thị trường và định hướng phát triển của ngành, địa phương.
Trong hồ sơ đề án và tại Phiếu thẩm định cấp cơ sở cần xác định rõ là công nghệ/sản phẩm mới trên địa bàn cấp huyện chưa có cơ sở nào sản xuất hoặc chỉ có một đơn vị sản xuất công nghệ/sản phẩm mới đó (đối với các huyện thuộc địa bàn ưu tiên theo quy định tại Thông tư số 20/2017/TT-BCT).
Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến, tự động hóa vào sản xuất. Hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến do cơ sở CNNT tự nghiên cứu, sản xuất, gia công chế tạo và ứng dụng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, được cơ quan quản lý công nhận. Đổi mới, nâng cấp quy trình sản xuất công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng các nguồn nguyên liệu hoặc đưa ra các sản phẩm có tính bảo vệ môi trường, bền vững.
Lập thành nhóm các đối tượng thụ hưởng, tập trung theo lĩnh vực, sản phẩm. Đề án phải có thuyết minh sơ đồ quy trình công nghệ, quy trình hoạt động của máy móc; nêu rõ đặc điểm vượt trội của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ tạo ra sản phẩm mới hoặc có phân tích so sánh cụ thể các yếu tố định tính, định lượng. Tên máy móc phải đảm bảo dễ dàng tra cứu; không ghép tên máy với model của máy xin hỗ trợ, (ví dụ: Máy hàn điện WH3…). Tại Phiếu thẩm định cấp cơ sở đối với dạng đề án hỗ trợ dây chuyền công nghệ, Sở Công Thương còn cần nêu rõ: “dây chuyền công nghệ được hỗ trợ ứng dụng đảm bảo là hệ thống các máy móc, thiết bị, công cụ, phương tiện được bố trí lắp đặt theo sơ đồ, quy trình công nghệ, vận hành đồng bộ để sản xuất sản phẩm”.
Hỗ trợ các cơ sở CNNT sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; Hỗ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn và nhân rộng mô hình áp dụng. Hỗ trợ các hoạt động tư vấn nhằm nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; ưu tiên các địa phương có đăng ký đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, quốc gia. Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp. Đối với đề án hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp: Lựa chọn cụm công nghiệp mà chủ đầu tư dự kiến hoàn thành hạng mục hoặc gói thầu đề nghị hỗ trợ trong năm kế hoạch; các cụm công nghiệp có hồ sơ pháp lý đầy đủ.
Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT trong bối cảnh hậu Covid-19. Đào tạo nghề nghiệp theo nhu cầu của các cơ sở gắn với yêu cầu của thị trường bằng hình thức trực tiếp hoặc ứng dụng công nghệ thông tin. Các ngành nghề ưu tiên hỗ trợ đào tạo: giải quyết nhiều việc làm, sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch và xuất khẩu, khôi phục phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0; Hỗ trợ thành lập doanh nghiệp tại các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Hỗ trợ tư vấn thông tin phát triển công nghiệp nông thôn, công tác truyền thông. Tăng cường các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác truyền thông. Tư vấn, hướng dẫn lập dự án đầu tư, marketing, quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, nhân lực, liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh và thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, ứng dụng công nghệ, thiết bị mới liên quan đến sản xuất công nghiệp nông thôn.
Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến công; Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động khuyến công; Kiểm tra giám sát, xây dựng cơ chế chính sách, quản lý chương trình đề án khuyến công.
Nhằm từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững; khi xây dựng đề án thuộc các nội dung về xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, xây dựng mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn, khuyến khích các cơ sở thực hiện báo cáo đánh giá nhanh về sản xuất sạch hơn làm căn cứ ưu tiên xét chọn.
Yêu cầu hồ sơ đề án được lập đúng quy định tại Điều 5 Thông tư số 36/2013/TT-BCT. Tên đề án cần ngắn gọn, phản ánh được nội dung hoạt động khuyến công theo quy định. Ví dụ: Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất/chế biến + tên sản phẩm; Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất/chế biến + tên sản phẩm. Lưu ý không ghép tên đơn vị thụ hưởng, địa điểm triển khai vào tên đề án; Phiếu thẩm định cấp cơ sở phải có dấu giáp lai của Sở Công Thương.
Đối với việc xây dựng Kế hoạch khuyến công địa phương
Căn cứ định hướng trên, Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2021 - 2025, yêu cầu, điều kiện thực tế tại địa phương, Sở Công Thương xem xét, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về nội dung hoạt động khuyến công địa phương thực hiện trong năm 2023.
Đối với việc xây dựng dự toán kinh phí khuyến công quốc gia và thẩm định cấp Bộ và trình phê duyệt kế hoạch kinh phí KCQG
Nội dung, mức chi hoạt động KCQG thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính. Dự toán kinh phí của đề án phải được lập chi tiết số lượng, đơn giá, thành tiền, trong đó chia ra kinh phí KCQG đề nghị hỗ trợ, kinh phí đóng góp của đơn vị thụ hưởng và nguồn khác; có thuyết minh, giải trình dự toán kèm theo. Nội dung chi quản lý đề án cũng cần được chi tiết trong dự toán kinh phí. Lưu ý đối với dự toán của đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, cần nêu rõ các hạng mục đầu tư, năm đầu tư khi tính vào tổng vốn đầu tư; đối với các đề án KCQG điểm đăng ký kế hoạch lần đầu trong năm 2023, dự toán kinh phí chia theo từng năm, tương ứng với các nội dung hoạt động khuyến công dự kiến thực hiện. Định mức xét hỗ trợ đối với một số hoạt động KCQG áp dụng theo Quyết định số 4371/QĐ-BCT ngày 23 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Căn cứ quy định tại khoản 9, Điều 1, Thông tư số 17/2018/TT-BCT; sau khi thẩm định cấp cơ sở, các địa phương, đơn vị và Trung tâm Khuyến công quốc gia ở các vùng gửi 01 bộ hồ sơ đề án theo danh mục đã đăng ký về Cục CTĐP (số 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước ngày 30 tháng 9 năm 2022 để thẩm định cấp Bộ và trình Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch kinh phí KCQG năm 2023.
Trên đây là một số nội dung về việc xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2023. Cục CTĐP đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo cho các tổ chức dịch vụ khuyến công có liên quan trên địa bàn thực hiện theo hướng dẫn./.
Tạ Quang Lâm