Một số mục tiêu lớn trong Chương trình Khuyến công quốc gia (KCQG) giai đoạn 2021 - 2025 được Chính phủ đưa ra là huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đa dạng nội dung
Theo Chương trình KCQG giai đoạn 2021 – 2025, nội dung khuyến công sẽ đa dạng như: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN); xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH); xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT); hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT; hỗ trợ liên doanh, liên kết, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, hợp tác đầu tư phát triển các cụm công nghiệp; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công…

 
Hỗ trợ cơ sở CNNT ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất

Hướng đến các mục tiêu lớn
Từ các nội dung của chương trình, Chính phủ đã đặt ra nhiều mục tiêu lớn cho khuyến công giai đoạn 2021 - 2025 như: Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất CN-TTCN, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, SXSH nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Chương trình cũng đặt mục tiêu thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm CNNT; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong các sản phẩm công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản; gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm CN-TTCN. Ngoài ra, chương trình sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, các địa phương thực hiện được các Đề án KCQG điểm sẽ có tác động lan tỏa, hỗ trợ sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, vùng, địa phương.
Cụ thể, chương trình phấn đấu xây dựng được 340 mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ. Ứng dụng được 1.600 máy móc, thiết bị và 300 dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất CN-TTCN. Đánh giá SXSH cho 300 cơ sở CNNT; xây dựng mô hình thí điểm về SXSH cho 100 cơ sở CNNT. Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 50 cơ sở CNNT.
Hỗ trợ 350 cơ sở CNNT xây dựng, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 50 cụm công nghiệp. Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho khoảng 60 cụm công nghiệp. Hình thành cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; đào tạo nghề nghiệp cho 10.000 lao động theo nhu cầu của các cơ sở CNNT gắn với yêu cầu của thị trường…
Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình KCQG giai đoạn 2021 - 2025.

 

Theo Báo Công Thương