Vải thiều Thanh Hà chính thức được mở bán ngay trên trang chủ với vị trí ưu tiên trên sàn thương mại điện (TMĐT) tử Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” cùng chính sách giá ưu đãi, hấp dẫn.

Đẩy mạnh kết nối tiêu thị vải thiều trên nền TMĐT

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Việt Nam, nhất là các tỉnh thành gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang và Sóc Trăng, việc đẩy mạnh kết nối tiêu thị nông sản trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử là giải pháp đắc lực giúp người nông dân giải quyết được lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thời đại công nghệ số.

Đây cũng là nội dung của ngành Công Thương triển khai thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Theo đó, vải thiều Thanh Hà chính thức được mở bán ngay trên trang chủ với vị trí ưu tiên trên sàn thương mại điện tử Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” cùng chính sách giá ưu đãi, hấp dẫn hướng tới thị trường người tiêu dùng trong cả nước ứng dụng phương thức TMĐT. Đây là nhiệm vụ tiên quyết của Bộ Công Thương trong quá trình triển khai Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ.

Chương trình do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với sàn TMĐT Voso (Viettel Post) triển khai trong khuôn khổ Chương trình Phát triểnTMĐT Quốc gia nhằm đưa ra các phương án hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều Thanh Hà cũng như các mặt hàng nông sản khác của địa phương lên nền tảng số thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến”.

Bộ Công Thương cho biết, khi tham gia chương trình, các đơn hàng vải thiều khi đặt mua tại sàn TMĐT Voso trên “Gian hàng Việt trực tuyến” sẽ nhận ưu đãi vận chuyển toàn quốc cho tất cả các đơn hàng dưới 20 kg khi lựa chọn hình thức chuyển phát nhanh.

Đặc biệt, thông qua hình thức chuyển phát nhanh của Viettel Post, sàn TMĐT Voso sẽ đảm bảo vẹn nguyên về quy trình đóng gói và quá trình vận chuyển, lưu giữ tối đa hương vị tươi ngon của vải thiều Thanh Hà – đặc sản Hải Dương khi đến với khách hàng khắp 63 tỉnh, thành phố.

Được biết, ngoài sàn TMĐT Voso, Bộ Công Thương cũng phối hợp với nhiều sàn TMĐT tử khác để hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản.

Tiếp tục triển khai Gian hàng Việt trực tuyến tại các địa phương

Ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh: Chương trình“Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia trên các sàn thương mại điện tử do Cục chủ trì đang triển khai rộng khắp các tỉnh, thành phố và được đánh giá là một giải pháp hiệu quả, bền vững giúp các doanh nghiệp tại địa phương ứng dụng công nghệ số để tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ trên toàn quốc.

Trước đó Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tổ chức thành công sự kiện Ngày đặc sản Sơn La và Ngày hội xứ dừa – quê hương Bến Tre trên sàn TMĐTSendo. Đây là những sự kiện quảng bá và tiêu thụ tốt cho các sản phẩm địa phương, sản phẩm của doanh nghiệp Việt”- ông Đặng Hoàng Hải thông tin thêm.

Đáng lưu ý, khi mùa vải thiều Bắc Giang năm nay đang bắt đầu vào vụ với sản lượng khoảng lớn, cùng với các đơn vị khác của Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế đã sớm lên phương án làm việc, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang hợp tác với các sàn TMĐT như Sendo, Voso, Postmart, Lazada . . . và các đối tác để tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vải thiều Bắc Giang qua phương thức thương mại điện tử.

Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng Hải cũng thẳng thắn chỉ ra việc chuyển đổi số tại nhiều doanh nghiệp Việt còn chậm, nhiều doanh nghiệp muốn thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh tuy nhiên vẫn đang “loay hoay” và gặp nhiều thách thức.

Vì thế, Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia là nơi các nhà sản xuất Việt mở thêm kênh phân phối mới, hỗ trợ mở rộng đầu tư cho các doanh nghiệp Việt tới mọi tỉnh, thành phố trên cả nước, từng bước giúp doanh nghiệp ổn định kinh doanh và phục hồi sản xuất trong giai đoạn bình thường mới, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt uy tín ra nước ngoài.

Đến thời điểm hiện tại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số mới ký liên kết với một số sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso và Tiki. Thời gian tới, Cục dự kiến sẽ mở rộng để các sàn thương mại lớn đều có “Gian hàng Việt trực tuyến và tiếp tục thúc đẩy mở “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” tại các sàn thương mại điện tử lớn ở nước ngoài.

Thống kê cho thấy, đến nay đã có hàng nghìn lượt doanh nghiệp thông qua các sự kiện do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức đã được tập huấn đào tạo cũng như triển khai chương trình.

Cùng với đó, hàng trăm sản phẩm của các doanh nghiệp Việt được lựa chọn kỹ lưỡng, đánh giá hiệu quả đã được đưa lên phân phối trên sàn thương mại điện tử Sendo và Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia”, hiển thị rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và trang chủ của Sendo, Voso.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định, trong hai năm 2021 và 2022, Cục sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo và kết nối thương mại điện tử với các sàn thương mại điện tử thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” ở các tỉnh, thành trên cả nước, dự kiến tại Quảng Ninh, Nghệ An, Cần Thơ, Hải Dương, Thái Bình, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, Đà Nẵng, đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...

Thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục phối hợp với các sàn thương mại điện tử đã ký kết hợp tác triển khai các chương trình quảng bá hình ảnh “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các sàn TMĐT, xây dựng các chương trình xúc tiến bán hàng trên các sàn TMĐT qua “Gian hàng Việt trực tuyến” để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và địa phương mở rộng kênh phân phối trên toàn quốc./.

Theo Báo Công Thương