Bắc Giang là một trong những địa phương đang chịu tác động mạnh nhất của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Vấn đề hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa vụ, đặc biệt là trái vải thiều đang vào vụ thu hoạch; đảm bảo cân đối cung cầu; tránh dừng, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất… là nhiệm vụ được Bộ Công Thương chú trọng triển khai, nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh cho địa phương.

Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Công Thương với tỉnh Bắc Giang để bàn về 3 vấn đề: Tiêu thụ nông sản; kết nối cung cầu; hỗ trợ các đơn vị sản xuất trong điều kiện có dịch Covid-19, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng diễn ra sáng 25/5.

Đẩy mạnh xuất khẩu trái vải chính ngạch

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - cho biết, dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Hiện, tỉnh tiếp tục tạm dừng hoạt động 4/5 khu công nghiệp; có 340/344 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp dừng hoạt động; có 172.000/174 000 công nhân ngừng việc; có 10/30 cụm công nghiệp dừng hoạt động; có 127/242 doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp dừng hoạt động.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh, đặc biệt là việc lưu thông, vận chuyển nông sản từ Bắc Giang sang các địa phương khác (và ngược lại) cũng như xuất khẩu qua các cửa khẩu gặp khó khăn.

Năm nay, sản lượng vải thiều của Bắc Giang lên tới 180.000 tấn, trong khi dịch bệch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mặc dù địa phương đã xây dựng các kịch bản cụ thể, nhưng dự báo việc tiêu thụ vẫn nhiều khó khăn, nhất là khi các thương nhân Trung Quốc không sang trực tiếp Bắc Giang để mua hàng.

Ngày 26/5 và 8/6, tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều với sự tham gia trực tuyến của nhiều thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các đối tác xuất khẩu, các hệ thống phân phối trong nước..

iên quan đến tiêu thụ hàng nông sản nói chung và vải thiều nói riêng, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá và thúc đẩy kết nối, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều Bắc Giang ở thị trường các nước. Hỗ trợ tỉnh Bắc Giang đưa sản phẩm vải thiều tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, trao đổi, đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc và chỉ đạo các tỉnh có cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc tạo điều kiện cho việc thông quan trái vải thiều của tỉnh Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được thuận lợi như: tạo luồng xanh-luồng ưu tiên, kéo dài thời gian làm việc, tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục hành chính và kho bãi nơi cửa khẩu...

Tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức với các tỉnh, thành phố về việc tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản Bắc Giang được lưu thông tiêu thụ khi đã đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh.

Về kết nối cung cầu, tỉnh Bắc Giang cũng kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp, các kênh phân phối trong nước chủ động nguồn hàng, tránh để xảy ra khan hiếm hàng….

Trước các kiến nghị từ phía Bắc Giang, trong lĩnh vực xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị các địa phương trong đó có Bắc Giang cần xây dựng chiến lược 4 bước gồm: Tạo lòng tin về độ an toàn của trái vải; tạo ra lòng tin về quy cách, chất lượng, số lượng sản phẩm; chuyển sang xuất khẩu chính ngạch; có kế hoạch hợp lý lưu chuyển hàng hóa của địa phương lên cửa khẩu. Tại Hội nghị trực tuyến, các đơn vị thuộc Bộ cũng đã đưa ra các kế hoạch, giải pháp trong việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa vụ, đảm bảo cân đối cung cầu và đảm bảo tránh dừng, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung.

Nhấn mạnh việc cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói: Chúng tôi kêu gọi không chỉ Bắc Giang mà tất cả các tỉnh, thành phố có nông sản xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc nên chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Bộ Công Thương sẽ cùng Lạng Sơn, Lào Cai xây dựng quy trình ưu tiên cho trái vải của Bắc Giang và các địa phương xuất khẩu qua cửa khẩu chính ngạch. Về phía địa phương, đề nghị Bắc Giang có các doanh nghiệp đủ lớn, đủ uy tín để liên hệ với khách hàng nước ngoài, ký kết các hợp đồng bán theo đường chính ngạch. Nếu không có các doanh nghiệp đó thì Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đứng ra làm việc này.

Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, nhu cầu đối với quả vải Bắc Giang là có nhiều, nhưng một phần khó khăn đang ở các cửa khẩu, nên Bộ Công Thương sẽ làm việc với các địa phương liên quan như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh để phối hợp, hỗ trợ hàng hóa nông sản được vận chuyển từ Bắc Giang lên khu vực cửa khẩu.

Tăng tiêu thụ tại thị trường nội địa

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý, Bắc Giang cần làm đúng theo hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch theo công văn số 1083/BCT-TTTN ngày 1/3/2021 mà Bộ Công Thương đã gửi UBND các tỉnh, thành phố để tạo điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp, bảo đảm lưu thông hàng hóa.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, cùng với việc đảm bảo vừa phòng chống dịch hiệu quả, duy trì sản xuất một cách hiệu quả an toàn, thì việc trước mắt đặt ra đó là tiêu thụ được các sản phẩm nông sản của Bắc Giang, trong đó có trái vải thiều.

Trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, tiêu thụ trái vải ở trong nước là quan trọng nhất, nhằm khai thác tiềm năng của thị trường gần 100 triệu dân. Nếu như những năm trước, tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước chỉ chiếm 50% thì nay mục tiêu này phải đẩy lên gấp rưỡi.

“Nhiều người dân Việt Nam, nhất là từ miền Trung đổ vào không dễ gì được sử dụng trái vải thiều Bắc Giang. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thời gian qua các địa phương cũng đã quan tâm, nhưng vẫn chưa đúng mức. Do đó, mục tiêu của chúng ta là đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước. Đây cũng là cơ hội để tìm ra giải pháp tối ưu, quan tâm chăm lo thị trường và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Cùng với thị trường trong nước, cần quan tâm tới xuất khẩu. Mục tiêu đặt ra duy trì sản lượng xuất khẩu như các năm, nhưng nếu không duy trì được sản lượng thì vẫn phải duy trì giá bán, thậm chí là xem xét tăng giá bán, có như vậy mới giữ được thương hiệu sản phẩm xuất khẩu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Về đảm bảo cung cầu hàng hóa, Bộ Công Thương đề nghị tỉnh Bắc Giang gửi nhu cầu theo các kịch bản, cấp độ, Bộ sẽ phối hợp với địa phương trong vấn đề điều tiết, kết nối với địa phương, doanh nghiệp, tham mưu Chính phủ để có những xuất cấp, hỗ trợ từ các quỹ dự phòng quốc gia nếu thấy cần thiết.

Riêng thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng đề nghị Vụ Thị trường châu Á - châu Phi chỉ đạo các thương vụ của Việt Nam tại Trung Quốc liên hệ với cơ quan chức năng nước sở tại tạo điều kiện thông thoáng việc nhập khẩu trái vải, để đảm bảo trái vải đến được tay người tiêu dùng nhanh nhất. Trước các kiến nghị của tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị có liên quan phải có những kế hoạch chi tiết, cụ thể phối hợp với Bắc Giang trong duy trì việc xuất khẩu trái vải thiều sang các thị trường truyền thống và các nước trong khu vực, đồng thời mở rộng các thị trường khác. Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, bán hàng online, kết nối cung cầu, nhất là các doanh nghiệp người Việt Nam ở các nước. Việc này sẽ vừa giải quyết vấn đề trước mắt, đồng thời tạo nền tảng cho việc xuất khẩu hàng hóa của Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung ra thị trường nước ngoài.

Về việc đảm bảo hàng hoá trong nước trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, mục tiêu đặt ra cao nhất là không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, không để trục lợi, cản trở việc cung ứng hàng hóa dịch vụ cho người dân, nhất là khu vực cách ly. Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra chống tình trạng găm hàng, buôn lậu, ép giá, cản trở tiêu thụ hàng hóa, lưu thông phân phối.Trước mắt, Bộ sẽ có văn bản gửi các Bộ, các địa phương và các cửa khẩu có liên quan bảo đảm việc thông quan dễ dàng, thuận lợi, ưu tiên luồng xanh cho xuất khẩu, trong đó, nhấn mạnh xuất khẩu chính ngạch.

Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, căn cứ nhiệm vụ chức năng của mình xây dựng kế hoạch, mục tiêu, giải pháp rõ ràng và có báo cáo hàng tuần kết quả này. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo xây dựng các văn bản báo cáo đề xuất gửi Chính phủ, các văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan để giải quyết các vấn đề về lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm nông sản, cung ứng hàng hóa thiết yếu, khoanh vùng dập dịch nhưng đồng thời khôi phục sản xuất. Việc này, không chỉ giúp Bắc Giang mà giúp tất cả các địa phương đang có dịch.

Theo Báo Công Thương