Phạm vi điều chỉnh của Quyết định 34/2020/QĐ-UBND quy định việc quản lý kinh phí khuyến công và mức chi cụ thể cho hoạt động khuyến công địa phương; việc xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cơ sở công nghiệp nông thôn); các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia công tác quản lý, thực hiện hoạt động dịch vụ khuyến công.
Điều kiện được hỗ trợ kinh phí khuyến công là các tổ chức, cá nhân đảm bảo các yêu cầu đưa ra tại Quyết định
Điều kiện để được hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương là, khi các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ kinh phí khuyến công phải đảm bảo các điều kiện sau: Thứ nhất, nội dung nhiệm vụ, đề án phù hợp với nội dung quy định tại Điều 4 và ngành nghề phù hợp với danh mục ngành nghề quy định tại Điều 5 Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công; Thứ 2, nhiệm vụ, đề án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Thứ 3, tổ chức, cá nhân đã đầu tư vốn hoặc cam kết đầu tư đủ kinh phí thực hiện đề án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt (sau khi trừ số kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ); Thứ 4, cam kết của tổ chức, cá nhân thực hiện hoặc thụ hưởng từ đề án khuyến công chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của nhà nước cho cùng một nội dung chi được kinh phí khuyến công hỗ trợ; Thứ 5, tổ chức dịch vụ khuyến công, tổ chức dịch vụ khác có kinh nghiệm, năng lực để triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công (trừ các hoạt động do cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp thực hiện).
Công tác khuyến công tại địa phương những năm qua phát triển mạnh mẽ
Quyết định 34/2020/QĐ-UBND của UNBD tỉnh Bình Thuận cũng nêu rõ, mức chi chung cho hoạt động khuyến công, bao gồm: Chi tổ chức bình chọn và trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp huyện; chi hỗ trợ các cơ sở công nghiệp thành lập hội, hiệp hội ngành nghề cấp tỉnh. Mức hỗ trợ 30% chi phí thành lập, nhưng tối đa 35 triệu đồng/hội, hiệp hội; chi thù lao cho Cộng tác viên khuyến công: Mức chi thù lao cho Cộng tác viên khuyến công 0,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng; chi hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp; bao gồm các chi phí: Thay thế nguyên, nhiên, vật liệu; đổi mới máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ; đào tạo nâng cao năng lực quản lý; đào tạo nâng cao trình độ tay nghề công nhân; tiêu thụ sản phẩm; hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật. Mức hỗ trợ 30% chi phí nhưng tối đa 250 triệu đồng/mô hình; chi hỗ trợ gian hàng tập trung của tỉnh tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ…
Được biết, những năm qua, hoạt động khuyến công của tỉnh Bình Thuận đã phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển công nghiệp và kinh tế - xã hội tại địa phương. Đặc biệt, năm 2020, Trung tâm Khuyến công tỉnh Bình Thuận đã hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng máy móc, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã phong phú, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nỗ lực của Trung tâm Khuyến công tỉnh Bình Thuận đã đóng góp tích cực vào phong trào thi đua yêu nước ngành Công Thương trong năm 2020.
Theo Thời báo Làng nghề Việt