Năm 2023, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất hàng may mặc”. Các đề án đã góp phần giúp các doanh nghiệp có thêm động lực, mạnh dạn đầu tư, mua sắm dây chuyền, máy móc, thiết bị hiện đại để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập kinh tế và quảng bá thương hiệu.

May mặc là ngành có nhu cầu lao động cao, cũng là ngành dễ dàng giải quyết và thu hút việc làm cho người lao động đặc biệt lao động xuất phát từ nông thôn. Hiện nay nhà nước đã, đang khuyến khích việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề công nghiệp nông thôn và ban hành những chính sách khuyến khích thúc đẩy việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất cho khu vực nông thôn nhằm mục đích tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động; từng bước thay đổi có cấu kinh tế và lao động ở khu vực.

Đây cũng chính là yếu tố đẩy nhanh việc triển khai thực hiện chương trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Việc ứng dụng công nghệ mới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và đa dạng hoá các loại hình sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chính vì thế, năm 2023 Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Định đã thực hiện 03 đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất hàng may mặc” với tổng kinh phí hỗ trợ là 560 triệu đồng, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023 cho 3 đơn vị gồm Công ty TNHH Sinh Phát VN, Công ty TNHH May Thái Triệu, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ tổng hợp Thanh Xuân.

Là 1 trong 03 đơn thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023, với kinh phí được hỗ trợ là 200 triệu đồng Công ty TNHH Sinh Phát VN, phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã đầu tư 06 cụm máy móc thiết bị để sản xuất phục vụ sản xuất hàng may mặc gồm: 01 máy cắt mẫu đa năng dùng trong ngành may; 01 máy may đổ nút mâm CN; 02 máy lập trình công nghiệp; 02 máy đính nút công nghiệp tự động, nhằm thay thế lao động thủ công và máy móc lạc hậu, các máy móc thiết bị đầu tư tăng công suất và thay thế giảm bớt lao động thủ công từ 40-80% (tuỳ vào từng loại máy) đáp ứng nhu cầu khách hàng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất.

Bà Lê Thị Trúc Nhi, Giám đốc Công ty TNHH Sinh Phát VN chia sẻ: “Việc đầu tư máy móc vào sử dụng sản xuất đã đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy trong các khâu sản xuất sản phẩm, đáp ứng đủ công suất 300.000 sản phẩm/năm. Qua tính toán thì Công ty sẽ hoàn vốn trong  khoản 30 tháng, và chỉ số sinh lời là 25%. Ngoài ra đã giảm cho Công ty 10 lao động sản xuất thủ công, số lao động này công ty bố trí vào các chuyền may sản xuất, sản phẩm tạo ra đáp ứng nhu cầu của thị trường, sử dụng lao động tại chỗ, giải quyết cho hơn 150 lao động nông thôn thường xuyên nhất là lao động nữ chiếm trên 90% với mức thu nhập trung bình hàng tháng trên 4,0-4,5 triệu đồng, góp phần phát triển kinh tế và an sinh xã hội của địa phương”.

Tương tự, Công ty TNHH May Thái Triệu, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, với kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023 là 180 triệu đồng. Công ty TNHH May Thái Triệu đầu tư 01 máy Nhồi lông vũ và 01 máy nén khí để phục vụ sản xuất hàng may mặc nhằm thay thế lao động thủ công và máy móc lạc hậu, các máy móc thiết bị đầu tư tăng công suất và thay thế giảm bớt lao động thủ công, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường làm việc cho công nhân, độ chính xác cao.

Qua thời gian lắp đặt sản xuất thử và hiệu chỉnh máy, đào tạo lao động vận hành máy, đến nay máy móc thiết bị hoạt động ổn định, công nhân vận hành máy đã làm quen với máy sử dụng máy thuần thục. Hiện tại máy móc thiết bị đã đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy trong các khâu sản xuất sản phẩm, đáp ứng đủ công suất 200.000 sản phẩm/năm. Qua tính toán thì Công ty sẽ hoàn vốn trong  khoản 23 tháng, và chỉ số sinh lời là 36%.

Cũng với nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023 hỗ trợ là 180 triệu đồng, chiếm khoảng 40% so với tổng vốn đầu tư máy móc thiết bị. Ông Phan Mạc Cẩm Tú, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ tổng hợp Thanh Xuân, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đã đầu tư 03 máy lập trình công nghiệp, máy có ưu điểm giảm thiểu thời gian và công sức may của người thợ, giúp hạn chế các chi tiết bị lỗi so với may thường. Đảm bảo sản phẩm sau khi may ra độ chính xác và hạn chế các lỗi may sai lệch, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường làm việc cho công nhân. Máy móc thiết bị đi vào hoạt động đã đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy trong các khâu sản xuất sản phẩm, đáp ứng đủ công suất 100.000 sản phẩm/năm. Qua tính toán thì Công ty sẽ hoàn vốn trong  khoản 35 tháng, và chỉ số sinh lời là 20%.

Có thể thấy, hiệu quả xã hội của 03 đề án hỗ trợ trên sau khi đầu tư sản xuất tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, sử dụng lao động tại chỗ, giải quyết hàng trăm việc làm cho người lao động nhất là lao động nữ chiếm trên 90% với mức thu nhập trung bình hàng tháng trên 4,0 - 4,5 triệu đồng, góp phần phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Đồng thời, 03 Công ty cũng đã thực hiện đầy đủ các chính sách cho người lao động về lương, BHXH, BHYT, BHTN, chính sách về chế độ thưởng,… tham gia vào các chính sách an sinh xã hội. Đối với riêng từng Công ty đã tích lũy lợi nhuận, mở rộng quy mô kinh doanh, và ngành nghề hoạt động phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.

Nguồn: Tạp chí Công Thương

ST: ĐXT