Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chương trình khuyến công đã tác động tích cực đến sự phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc khuyến khích và phát huy các nguồn lực vào đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) theo định hướng quy hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội một cách đáng kể.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Định, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-UBND về việc phê duyệt các đề án khuyến công sử dụng nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023. Theo đó, 20 chương trình, đề án khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ thực hiện với tổng kinh phí 2,84 tỷ đồng. Trong đó, 2,42 tỷ đồng được hỗ trợ cho 16 đề án gồm: hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Kinh phí còn lại xây dựng các chương trình thông tin đại chúng, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực hoạt động khuyến công.

Để được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt hỗ trợ kinh phí trên thì từ tháng 4.2022, Sở Công Thương tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Định (Trung tâm) phối hợp với các phòng kinh tế/kinh tế và hạ tầng các địa phương định hướng, hướng dẫn các cơ sở CNNT xây dựng đề án đăng ký hỗ trợ khuyến công năm 2023.

Kết quả đã có 78 đề án/11 địa phương đăng ký tham gia chương trình khuyến công với tổng kinh phí thực hiện là 37 tỷ đồng, trong đó đề nghị Nhà nước hỗ trợ khoảng 15,4 tỷ đồng. Đây là năm Trung tâm nhận được nhiều đề án đăng ký nhất. Để đảm bảo hoàn thành các đề án trong tháng 10.2023 theo yêu cầu của UBND tỉnh, Sở Công Thương tỉnh Bình Định đã tiến hành thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt đợt 1 với tổng kinh phí hỗ trợ 2,842 tỷ đồng như trên.

Đồng thời, tổng kinh phí khuyến công năm 2023 được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bình Định phê duyệt, giao hỗ trợ 5,1 tỷ đồng. Trong đó, Khuyến công quốc gia hỗ trợ 800 triệu đồng (15,6%) và phần còn lại là của địa phương (84,4%). Các cơ sở CNNT được hỗ trợ từ 90 đến 200 triệu đồng/đề án.

Có thể thấy, với nguồn vốn hỗ trợ từ khuyến công trên sẽ tạo đà cho các cơ sở CNNT trong tỉnh có thêm điều kiện đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn. Đồng thời, các cơ sở CNNT có thể khai thác tối đa nguồn nguyên liệu hiện có trên địa bàn tỉnh, tạo ra giá trị sản xuất chung của ngành, góp phần chuyển dịch cơ cấu CNNT theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

khuyến công tỉnh Bình Định

Đề án “Hỗ trợ ứng dụng cụm máy móc thiết bị vào sản xuất cửa nhôm kính xingfa” thực hiện tại Hộ kinh doanh Hồ Duy Đức, xã An Tân, huyện An Lão từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2022.

Cùng với đó, trong năm nay, Trung tâm sẽ tổ chức tham gia gian hàng chung tại một số hội chợ triển lãm, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ kinh phí để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, tổ chức hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, trong tháng 6.2023 Trung tâm phối hợp tổ chức Hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP và Làng nghề Bình Định 2023; Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa tại thành phố Quy Nhơn năm 2023.

Các cơ sở CNNT đủ điều kiện tham gia hoạt động này là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở làng nghề trong tỉnh Bình Định được thành lập và cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành, có ngành nghề, thị trường, mặt hàng, sản phẩm phù hợp với sự kiện.

Nguồn: Tạp chí Công Thương

ST: PTKD