Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những làng nghề của tỉnh Bắc Ninh như một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của mạch nguồn văn hóa kết tinh qua mấy nghìn năm lịch sử. Bảo tồn làng nghề truyền thống, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn là công việc vô cùng quan trọng và cần thiết trong thời hội nhập.

Vị thế của làng nghề

Bắc Ninh có 30 làng nghề truyền thống được công nhận gồm : thành phố Bắc Ninh 3, thị xã Từ Sơn 7, huyện Yên Phong 5, Gia Bình 4, Lương Tài 4, Thuận Thành 4, Quế Võ 1, Tiên Du 2 được phân theo nhóm ngành nghề như: Chế biến, bảo quản nông lâm sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, thêu ren, cơ khí nhỏ; sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh; nhóm làng nghề dịch vụ phục vụ sản xuất đời sống…

Các làng nghề hiện có 28.342 hộ tham gia, chiếm 62,74% số hộ trong làng nghề và gần 74 nghìn lao động làm nghề, tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt khoảng 12,2 nghìn tỷ đồng/năm. Hoạt động làng nghề góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn và đóng góp đáng kể trong tổng sản phẩm của tỉnh. Người dân ở nhiều làng nghề có thu nhập bình quân hơn 8 triệu đồng/người/tháng, một số làng nghề có thu nhập hơn 10 triệu đồng/người/tháng như: đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, Tam Sơn, Phù Khê, Hương Mạc...

Các làng nghề cơ bản sản xuất ra các sản phẩm theo yêu cầu của thị trường, có nhiều cơ sở sản xuất vươn ra thị trường quốc tế, sản phẩm làm ra ít bị tồn đọng. Nhiều tiến bộ kỹ thuật được các làng nghề áp dụng nhằm nâng cao năng suất lao động như: làng gốm Phù Lãng chuyển từ lò đốt củi sang lò đốt bằng gas tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao hơn; các làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ đầu tư hệ thống dàn máy đục có điều khiển bằng lập trình máy vi tính đưa năng suất tăng hàng chục lần lao động thủ công... Các cơ sở sản xuất năng động thay đổi mẫu mã và cải tiến sản phẩm theo kịp yêu cầu của thị trường, như: nhiều hộ ở làng gốm Phù Lãng làm tranh gốm trang trí trên tường, cảnh vật bằng gốm nung có giá trị kinh tế cao hơn làm chum vại, tiểu sành; Làng tre, trúc Xuân Lai sản xuất ra nhiều tác phẩm và vật dùng từ tre, trúc phù hợp thị hiếu người tiêu dùng; Làng bún Khắc Niệm sản xuất sản phẩm bún khô vừa dễ vận chuyển và kéo dài thời gian sử dụng... 

Những tồn tại hạn chế

Tuy đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nhưng các làng nghề nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Các làng nghề nằm xen lẫn trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, có 6/30 làng nghề ô nhiễm môi trường nặng (đúc đồng Đại Bái và Quảng Bố, bún bánh Khắc Niệm, đúc nhôm Văn Môn, sắt thép Đa Hội, giấy Phong Khê). Toàn tỉnh chỉ có 2 làng nghề có phương án bảo vệ môi trường theo quy định (làng nghề đồ gỗ Khúc Toại và làng nghề gốm Phù Lãng), còn 28 làng nghề chưa xây dựng phương án bảo vệ môi trường.

Công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại của các làng nghề chưa bài bản, chuyên nghiệp, cơ bản mang tính tự phát. Sản phẩm chủ yếu được bán trong vùng và thông qua các thương lái để tiêu thụ ra tỉnh ngoài, nước ngoài. Đa số sản phẩm làng nghề của Bắc Ninh chưa có nhãn hiệu hàng hóa (mới có 5/30 làng nghề được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, gồm: Tre trúc Xuân Lai, Mây tre đan Xuân Hội, Đồng Đại Bái, Gốm Phù Lãng, Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ).

Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

Trong xu thế hội nhập quốc tế, phát triển làng nghề nông thôn phù hợp với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội đang được nhiều địa phương quan tâm và đưa ra những chính sách quảng bá để kích thích phát triển. Trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các cơ sở sản xuất làng nghề, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu, duy trì và phát triển 30 làng nghề hiện tại và từ năm 2020-2025 phát triển thêm tối thiểu 30% số làng có nghề truyền thống.

Tuy nhiên, để làng nghề truyền thống phát triển phù hợp với nhu cầu của thị trường, gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tạo việc làm, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường, cần sự chung tay của các cấp, ngành, các địa phương và người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh: Trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân đối với việc phát triển làng nghề, làng có nghề; Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12-4-2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn... Các cơ sở sản xuất nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, phong trào chống rác thải nhựa và sử dụng sản phẩm truyền thống thân thiện với môi trường. Xây dựng và thực hiện khai thác có hiệu quả các tua du lịch gắn với các làng nghề như: làng gốm Phù Lãng, làng tranh Đông Hồ, làng tre trúc Xuân Lai, làng đúc đồng Đại Bái, làng đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, Quan họ làng Diềm... Tích cực triển khai thực hiện đề án “Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm” trong các làng nghề nhằm hoàn thiện các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh. Có cơ chế chính sách, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư bảo tồn và phát triển làng nghề, đặc biệt là các dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trước mắt, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ vay vốn trung hạn, dài hạn với lãi suất ưu đãi để các cơ sở làng nghề đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường xuất khẩu.

Theo langngheviet.com.vn