Tỉnh Bắc Ninh xác định phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) là một trong những giải pháp hết sức cần thiết và quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời thúc đẩy quá trình xây dựng Nông thôn mới. Tỉnh thông qua nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm CNNT, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn và đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước.

Là tỉnh có nền công nghiệp phát triển nhanh, mạnh và có nhiều làng nghề truyền thống từ lâu đời, nên Bắc Ninh có tiềm năng phát triển kinh tế từ lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, với các sản phẩm chủ lực như: Đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre đan xuất khẩu, đồ đồng và nhiều sản phẩm nông sản khác…Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển kinh tế theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, Bắc Ninh đã chỉ đạo các cấp, các ngành đặc biệt là ngành Công thương, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực đầu tư hỗ trợ về chính sách cũng như về vốn, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo bước đột phá nhằm khuyến khích kịp thời và huy động được các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến các sản phẩm thế mạnh của địa phương, từ đó nhằm cung cấp các mặt hàng có chất lượng cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn nông thôn là hướng đi tích cực để đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn và góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới. Xác định rõ tầm quan trọng đó, những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã phát huy tiềm năng, lợi thế về nguyên liệu, lao động để xây dựng, phát triển các cơ sở công nghiệp ở nông thôn với nhiều ngành nghề, sản phẩm đa dạng. Các địa phương đều có chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển các sản phẩm CNNT ngay từ khâu lập phương án sản xuất kinh doanh đến xúc tiến thương mại, phân phối sản phẩm, nhất là những sản phẩm tiêu biểu. Qua đó nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các địa phương đã nắm bắt cơ hội để phát triển nhiều ngành, nghề truyền thống, các sản phẩm công nghiệp phát triển theo chiều sâu, đa dạng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ dân, cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn.

Ông Đặng Ngọc Quyết ở xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề làm mây tre đan. Trước đây thu nhập của người dân làm mây tre đan chưa cao, do cách làm riêng lẻ, kỹ thuật và tay nghề không đồng đều và thị trường không ổn định. Để làm được sản phẩm đảm bảo chất lượng bền, đẹp, có sức cạnh tranh cao với các sản phẩm cùng loại trên thị trường trong nước và xuất khẩu, ông và các gia đình cùng làm nghề thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, nhất là kỹ thuật chọn nguyên liệu mây tre, rồi sơ chế, xử lý nguyên liệu hay chế tác sản phẩm… Qua quá trình sản xuất, ông Quyết đã tập hợp mọi người nhằm hỗ trợ nhau sản xuất. Trên cơ sở đó, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị chức năng, ông Quyết thành lập doanh nghiệp mở rộng quy mô và tạo dựng được thương hiệu cho các sản phẩm trên thị trường.

Với chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu được cấp năm 2018 không chỉ tạo thêm niềm tin và vị thế mới cho các sản phẩm của Công ty Mây tre đan xuất khẩu Ngọc Quyết trên thị trường trong và ngoài nước, mà còn tiếp thêm động lực mạnh mẽ để doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô, đưa sản phẩm của doanh nghiệp ngày càng vươn xa. Để đảm bảo chất lượng và kỹ, mỹ thuật cho các sản phẩm, doanh nghiệp hỗ trợ thiết bị, máy móc, nguyên phụ liệu cho các hộ dân tham gia sản xuất, cũng vì thế mà các sản phẩm mây tre đan của công ty xuất ra thị trường luôn được đánh giá cao bởi sự thân thiện với môi trường, chất lượng tốt và giá thành hợp lý. Thị trường tiêu thụ được mở rộng, sản xuất phát triển, việc làm của hàng nghìn lao động trong và ngoài địa phương luôn được đảm bảo. Trong đó, chỉ tính riêng tại thôn Xuân Hội, xã Lạc Vệ, hiện có hơn 400 hộ gia đình tham gia sản xuất sản phẩm mây tre đan.

Huyện Gia Bình là một trong những địa phương hiện có khá nhiều sản phẩm CNNT thuộc các nhóm như: Thực phẩm; đồ uống; vải và may mặc, đồ lưu niệm, nội thất, trang trí… Căn cứ vào thế mạnh của mỗi xã, thị trấn, Gia Bình có kế hoạch cụ thể để khuyến khích người dân tích cực tham gia sản xuất và quảng bá sản phẩm. Để phát triển các sản phẩm CNNT, huyện tập trung hoàn thiện tiêu chuẩn hóa các sản phẩm, trên cơ sở đó để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã thể hiện ý tưởng, phương án, dự án sản xuất kinh doanh với mục đích nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng cường đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Từ ngày đầu đi vào sản xuất, Công ty TNHH Dược liệu Việt Kết, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình đã đầu tư công nghệ, máy móc vào dây chuyền sản xuất các sản phẩm mỹ phẩm được chiết xuất từ thảo dược thay thế hoàn toàn cách làm bằng thủ công trước đây. Đến nay, từ một số loại cây dược liệu được trồng tại địa phương, đơn vị sản xuất hàng chục dòng sản phẩm với mẫu mã đa dạng, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng và tín hiệu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Năm 2021 doanh nghiệp có 3 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh.

Từ các chính sách thúc đẩy phát triển các sản phẩm CNNT giúp khu vực kinh tế nông thôn chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực cho chủ thể, nhất là khu vực Hợp tác xã, tổ hợp tác trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông sản, đặc sản đặc trưng của từng địa phương. Đặc biệt thông qua việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá và phát triển thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, là một tiêu chí quan trọng để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Thực tiễn triển khai hơn 10 năm qua có thể khẳng định, chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn, cần thiết, phát huy được tối đa các nguồn lực. Trong quá trình thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao hiện nay, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tập trung nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản phẩm CNNT, trong đó trọng tâm vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn. Để thực hiện các giải pháp đó, tỉnh chú trọng thực hiện quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề, khôi phục làng nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới và hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng lao động. Từ đó, các địa phương cùng ngành chức năng lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ các cơ sở mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động và tăng doanh thu. Đặc biệt, thông qua việc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp hằng năm, đã mở ra cơ hội phát hiện và tôn vinh nhiều sản phẩm CNNT có chất lượng, giá trị sử dụng cao và có tiềm năng phát triển sản xuất.

Phát triển các sản phẩm CNNT vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện và cũng là kết quả của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Điều này không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất mà còn giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở nông thôn như giảm nghèo, việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo của người dân, hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Việc tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm CNNT cũng là giải pháp quan trọng để giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí về Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội ổn định, bền vững trong tương lai./.

Theo Báo điện tử tỉnh Bắc Ninh