Làng nghề, nghề truyền thống không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế, là nguồn thu chủ yếu của nhiều gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nông thôn, mà còn là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền.

Bắc Ninh là vùng đất “trăm nghề”, với nhiều làng nghề có lịch sử tồn tại hàng trăm năm được phân bố rộng khắp trong tỉnh như: Làng rèn Đa Hội; đồ gỗ thủ công mỹ nghệ Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc; dệt Tương Giang; đúc nhôm Văn Môn, đúc đồng Đại Bái; giấy dó Phong Khê; gốm Phù Lãng; tranh dân gian Đông Hồ; tơ tằm Vọng Nguyệt,...Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra nhanh chóng đặt ra những thách thức lớn cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị của các làng nghề truyền thống.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, dịch bệnh bùng phát, bên cạnh một số làng nghề truyền thống thích nghi với thời cuộc tự tìm cho mình được hướng đi phù hợp, vẫn còn nhiều làng nghề lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, đầu ra cho sản phẩm không ổn định, thiếu vốn, mặt bằng sản xuất chưa được mở rộng, thiếu nguyên liệu, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, sản phẩm khó tiêu thụ, nhất là xây dựng thương hiệu hàng hóa chưa được quan tâm đúng mức; Thiết bị sản xuất đơn giản, thêm vào đó, ý thức người dân làng nghề trong bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe còn hạn chế,… tạo sức ép không nhỏ đến chất lượng môi trường sống của người dân làng nghề. Làng nghề thu hẹp sản xuất, không những người lao động trực tiếp chịu tác động, mà ảnh hưởng dây chuyền tới nhiều lao động ở các lĩnh vực khác.

Thách thức lớn đang hiện diện là việc duy trì bản sắc làng nghề, nghề truyền thống không được quan tâm, xu hướng phát triển thuần về kinh tế, coi nhẹ quan hệ xã hội và bảo vệ môi trường, không bảo đảm cho phát triển lâu dài và ổn định của mỗi làng nghề. Ngoài ra, một số sản phẩm làng nghề bị các sản phẩm công nghiệp thay thế như đồ nhựa thay thế đồ mây tre đan, đồ gốm, đồ đồng…và một số sản phẩm làng nghề không được thị trường chấp nhận nên hoạt động làng nghề giảm sút, thậm chí bị mai một như nghề làm cày bừa Đông Xuất (Đông Thọ - Yên Phong), nghề làm nón lá Vĩnh Phục, giường mành Tam Tảo (Phú Lâm - Tiên Du), nghề đồ gỗ sơn son thiếp vàng Bình Cầu (Hoài Thượng-Thuận Thành), nghề gốm Luy Lâu (Hà Mãn-Thuận Thành),…
Thời gian qua, các ngành, địa phương triển khai một số giải pháp bảo tồn làng nghề có nguy cơ mai một thông qua chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và nguồn vốn chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Đó là, hỗ trợ việc áp dụng máy móc vào một số công đoạn sản xuất, xúc tiến thương mại cho các cơ sở ngành nghề nông thôn. Nổi bật có dự án “Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành” được phê duyệt Chủ trương đầu tư dự án tại văn bản số 115/TTHĐND18 ngày 25-6-2018 của Thường trực HĐND tỉnh. Dự án được triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Song để các làng nghề, nghề truyền thống phát triển trong hội nhập, ngoài những biện pháp đã làm, về lâu dài cần có chiến lược phát triển bài bản kết hợp với những giải pháp mang tính dài hơi nhằm tháo gỡ khó khăn về kinh tế, tạo việc làm cho lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Trước hết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển làng nghề, nghề truyền thống. Quy hoạch khu sản xuất, cụm công nghiệp làng nghề và quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với điểm du lịch làng nghề và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm bảo vệ môi trường làng nghề. Tiếp đến là đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã, hoàn thiện sản phẩm của làng nghề truyền thống. Các cơ sở sản xuất xây dựng phương án bảo vệ môi trường trong các làng nghề, xây dựng hệ thống hạ tầng xử lý ô nhiễm môi trường để từng bước hoàn phục môi trường trong các khu dân cư, trả lại cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho làng nghề. Tăng cường quản lý nhà nước đối với làng nghề và nghề truyền thống, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển làng nghề, nghề truyền thống.
Cùng với đó củng cố, khôi phục, du nhập và phát triển làng nghề, nghề truyền thống góp phần thực hiện CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch làng nghề, làng có nghề. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ đối với lĩnh vực làng nghề, làng có nghề, đẩy mạnh hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, khuyến nông cho các làng nghề. Ưu tiên đầu tư hỗ trợ bảo tồn và phát triển những làng nghề, nghề truyền thống mà sản phẩm có những nét đặc trưng, tinh hoa nghề, sản phẩm đang được tiêu thụ tốt hoặc có chiều hướng tiêu thụ tốt, giải quyết được nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, phát huy thế mạnh của những địa phương có nghề. Đối với những địa phương có tiềm năng phát triển gắn với các điểm, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm…
Bảo tồn và phát triển làng nghề nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của làng nghề tỉnh Bắc Ninh, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn bền vững, đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường.

Theo làng nghề Việt