Theo số liệu từ Sở Công Thương Yên Bái, giai đoạn 2014-2018, tổng nguồn kinh phí hỗ trợ triển khai các chương trình khuyến công là trên 19,37 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này thu hút tới trên 136 tỷ đồng vốn đối ứng từ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT). Điều này cho thấy, hoạt động khuyến công của tỉnh đã chứng tỏ được hiệu quả, tạo sức hút với các cơ sở CNNT.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết, giai đoạn vừa qua, khuyến công địa phương đã phối hợp thực hiện 25 đề án khuyến công quốc gia và 103 đề án khuyến công địa phương. Công tác khuyến công đã hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở CNNT đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, phù hợp nhu cầu thị trường, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Đồng thời, tạo thêm số lượng lớn việc làm cho lao động địa phương với thu nhập ổn định. Mô hình trình diễn kỹ thuật là nội dung điểm, tạo được những hiệu quả tích cực, khả năng nhân rộng cao, góp phần khai thác tốt tiềm năng của địa phương.
Cũng theo đại diện Sở Công Thương Yên Bái, đạt được những kết quả trên, ngoài nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công còn có sự chủ động phối hợp của các đối tượng thụ hưởng. Công tác tuyền truyền được chú trọng thực hiện cũng là yếu tố giúp khuyến công tỉnh đạt được hiệu quả tích cực. Hàng năm, Sở Công Thương luôn dành một khoản kinh phí nhất định thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về các chủ trương, chính sách và ưu đãi khác đến các cơ sở sản xuất CNNT. Thường xuyên phát hành tài liệu tổng hợp hệ thống các văn bản về hoạt động khuyến công; tờ rơi, sổ tay giới thiệu về Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái cùng chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động khuyến công... giúp bạn đọc dễ dàng nắm bắt được những thông tin cơ bản của chính sách.
Theo đó, công tác tuyên truyền đã thực hiện tốt vai trò mở đường khi đưa được những thông tin cơ bản về chương trình, các nội dung cùng hình ảnh cần truyền tải đến cộng đồng doanh nghiệp (DN), cơ sở CNNT. Qua ghi nhận thực tế cho thấy, không chỉ các tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh (SXKD) biết đến và thụ hưởng nguồn vốn khuyến công cho mở rộng SXKD, nguồn vốn khuyến công còn thu hút được vốn đối ứng từ các đơn vị SXKD ngoài tỉnh tham gia thụ hưởng và đầu tư vào ngành CNNT Yên Bái.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Sở Công Thương Yên Bái đã xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo. Theo đó, đến năm 2020, tiếp tục hỗ trợ DN, cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị cho mở rộng sản xuất, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh.
Cụ thể, khuyến công tỉnh sẽ hỗ trợ đào tạo 150 lao động cho các cơ sở CNNT; tập huấn khởi sự DN cho 200 học viên; xây dựng 1-2 mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ từ 50-55 cơ sở đầu tư mới công nghệ sản xuất; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 1 cụm công nghiệp…
Để hoàn thành mục tiêu này, Sở Công Thương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hiệu quả công tác khuyến công để thu hút nhiều hơn nữa các cơ sở CNNT tham gia và thụ hưởng; xây dựng mạng lưới cộng tác viên khuyến công. Quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công đúng mục đích, đạt hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đề án trong quá trình triển khai và hậu kiểm. Đa dạng các nguồn vốn tham gia hoạt động khuyến công, lồng ghép khuyến công với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, nhằm huy động thêm nguồn vốn cho chương trình.
Sở cũng đã xây dựng định hướng dài hơi cho công tác khuyến công giai đoạn 2021-2030. Theo đó, chương trình tập trung hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất xây dựng mới, đầu tư mở rộng quy mô ở các ngành, nghề có thế mạnh về vùng nguyên liệu và nguồn lao động có sẵn tại địa phương, như: Chế biến nông-lâm sản, cơ khí phục vụ nông nghiệp nông thôn, sản xuất vật liệu xây dựng. Giai đoạn này, chương trình khuyến công thực hiện nhiều hơn nội dung liên doanh, liên kết hợp tác phát triển kinh tế và phát triển cụm công nghiệp. Giảm thiểu nội dung hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, nhất là tổ chức các hội chợ, triển lãm. Khảo sát, xây dựng các đề án có tính khả thi cao; xây dựng đề án khuyến công quốc gia với kinh phí bình quân khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm, kinh phí khuyến công địa phương khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm.
Giai đoạn 2014-2018, khuyến công Yên Bái đã hoàn thành nhiều chương trình, đề án với hiệu quả tốt, trong đó đã hỗ trợ thực hiện 131 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất với tổng kinh phí trên 13,7 tỷ đồng.
Nguồn: Sở Công Thương tỉnh Yên Bái