Bộ Công Thương dự báo trong những tháng tới, xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kì năm 2019.

Xuất nhập khẩu bắt đầu khởi sắc
Bộ Công Thương vừa có báo cáo về tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020. Báo cáo nêu rõ, kết quả khảo sát của gần 130.000 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, về thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho biết thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh.
47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được. Hoạt động xuất nhập khẩu từ đầu Quý II/2020 đã chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19, đặc biệt ở các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như: EU, Mỹ, Nhật, ASEAN...
Trong tháng 5/2020, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Mam đã có sự cải thiện so với tháng 4/2020 nhưng vẫn sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2019.
Ước tính, tháng 5/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 37,9 tỷ Usd, tăng 5% so với tháng 4/2020 nhưng giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 196,84 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

 

 

 

 

 


Nối tháng 4/2020, hoạt động thương mại trong tháng 5 của Việt Nam mặc dù đã có những khởi sắc nhưng vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19
Đáng chú ý, 3 nhóm hàng chính là nông - thủy sản, nhiên liệu - khoáng sản và công nghiệp chế biến tình hình xuất khẩu có cải thiện so với tháng trước, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2019 thì giảm mạnh, trong đó giảm mạnh nhất đến 60,6% là nhiên liệu - khoáng sản.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng ghi nhận, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020 với kim ngạch đạt 24,6 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc giữ mức 16,3 tỉ USD, tăng 20,1%.
Các thị trường lớn còn lại gồm Hàn Quốc, Nhật, ASEAN, EU lần lượt mang về cho Việt Nam từ 7,7-12,9 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu tính từ đầu năm đến nay.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cho biết, gần đây nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam dần dỡ bỏ những biện pháp chống dịch và tái khởi động kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn.
Điều này mở ra kì vọng hoạt động thương mại toàn cầu sẽ tăng trở lại trong những tháng tiếp theo, Bộ Công Thương nhận định.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng dự báo, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài.
Trong khi đó, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian.
"Do đó, trong những tháng tới, xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kì năm 2019", Bộ Công Thương tiếp tục dự báo.
7 giải pháp trọng tâm
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại, bên cạnh việc tiếp tục xử lý các vấn đề cấp bách để vừa phòng chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thì yêu cầu đặt ra trong thời gian tới được Bộ Công Thương xác định là xây dựng kế hoạch thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực của ngành Công Thương, khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại trong tình hình mới.

                                                                                        

 

 

 

 

 


                              Đối với thị trường xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đưa ra 7 giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiếp sức cho doanh nghiệp
Đối với thị trường xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã đưa ra 7 giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn, cụ thể:
Thứ nhất, để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục rà soát, tính toán lại kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu năm 2020. Đồng thời, xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế, đặc biệt là thị trường EU và các thị trường mà Việt Nam đã có các hiệp định thương mại đã ký kết.
Thứ hai, việc nghiên cứu, nắm bắt thông tin về các xu thế sản xuất, tiêu dùng, thương mại, dịch chuyển đầu tư mới xuất hiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại các nước nhập khẩu cũng như đối thủ cạnh tranh sẽ được đẩy mạnh triển khai, nhằm đề ra các giải pháp khai thác hiệu quả các thị trường xuất nhập khẩu khi dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả từ các nước.
Thứ ba, Bộ Công Thương cũng triển khai các hình thức xúc tiến thương mại, đặc biệt là các hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến để duy trì thị trường, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi sớm như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Từ đó, từng bước mở rộng sang các thị trường khác theo diễn biến của tình hình dịch bệnh.

 

 

 

 

Đối với thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương sẽ tập trung trao đổi, làm việc với phía bạn, sớm đẩy nhanh năng lực thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu
Thứ tư, đối với thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương sẽ tập trung trao đổi, làm việc với phía bạn, sớm đẩy nhanh năng lực thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu; trao đổi, làm việc với phía Trung Quốc để đảm bảo vận tải giao thương ở biên giới; điều tiết lượng hàng hóa lên cửa khẩu, tránh để ùn tắc nhiều làm tăng chi phí.
Thứ năm, xây dựng và hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý quan hệ khách hàng tích hợp cơ sở dữ liệu doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam; chia sẻ quyền truy cập hệ thống cho hệ thống các Thương vụ, Trung tâm Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cùng khai thác, sử dụng để tăng cường khả năng kết nối cơ hội kinh doanh, đầu tư.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp với hệ thống các Thương vụ, Trung tâm Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài. Thiết lập cơ chế liên kết bảo đảm trao đổi thông tin thông suốt với các Tham tán thương mại, các Vụ thị trường nước ngoài, các Hiệp hội ngành hàng, Trung tâm Xúc tiến thương mại địa phương và các doanh nghiệp trên cả nước trên các ứng dụng internet như đầu mối tiếp nhận, phản hồi các nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và các nước thông qua địa chỉ email, nhóm tương tác trên các ứng dụng Viber, Zalo.
Cuối cùng, tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Amazon đẩy mạnh xuất khẩu thông qua thương mại điện tử; tiếp tục phối hợp với Amazon Global Selling triển khai các chuỗi các sự kiện, hội nghị, hội thảo, đào tạo tập huấn... để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thông qua trang thương mại điện tử Amazon.com.
Cùng với đó, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên Amazon.com theo hướng phát triển và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm, ngành hàng và triển khai gian hàng chung trên trang thương mại điện tử Amazon.com nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mở rộng xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm Việt Nam.
Theo tapchicongthuong.vn
 

Tin đã đăng