Theo ông Đỗ Thanh Hải - Tham tán, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ - dệt may, dược phẩm, công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực năng lượng tái tạo, hàng nông sản là động lực mới cho quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ và nhiều ngành hàng khác còn tiềm năng hợp tác. Tuy nhiên, để biến các động lực và tiềm năng này thành hiện thực thì rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cộng động doanh nghiệp và hoạt động giao thương trực tuyến là kênh quan trọng để doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Thực tế thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ. Gần đây nhất, ngày 7 và 8/7, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương ) đã phối hợp tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến Xúc tiến thương mại và Hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ 2021. Tại các phiên giao thương, doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu tới đối tác nhiều sản phẩm tiềm năng và chất lượng, bao gồm hàng nông sản, thực phẩm khô, thủy hải sản, đồ uống, gia vị, bánh kẹo, hàng tiêu dùng các loại... và thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Ấn Độ.
Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - cho biết: Thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, Cục Xúc tiến thương mại đã đẩy mạnh tổ chức một số chương trình xúc tiến thương mại với Ấn Độ. Việc tăng cường giao thương giữa Việt Nam và Ấn Độ không chỉ bằng phương thức truyền thống mà còn trực tuyến sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ - một trong những mặt hàng tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ
Thị trường Ấn Độ tuy có nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm tàng không ít thách thức, thậm chí là rủi ro với doanh nghiệp Việt. Để giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường này, ông Hiren Gandhi - Chủ tịch Ủy ban Thực phẩm và An toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Gujarat đã đưa ra nhiều khuyến nghị hữu ích.
Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Ấn Độ cần sử dụng hợp đồng thương mại hợp pháp để thoát những tranh chấp thương mại, được bảo vệ trước sự gian lận, cam kết sai, vấn đề hậu cần và khắc phục rủi ro trong kinh doanh. “Hợp đồng pháp lý phù hợp có thể giúp bạn thoát khỏi 80% các tranh chấp thương mại. Tôi quan sát thấy nhiều người Việt Nam gặp rắc rối khi thực hiện các hợp đồng thương mại không có hiệu lực. Ngoài ra, khi xuất khẩu sang Ấn Độ, doanh nghiệp Việt Nam không nên sử dụng môi giới hoặc đại lý, bởi họ không có giá trị pháp lý”, ông Hiren Gandhi nhấn mạnh.
Ông Hiren Gandhi cũng cảnh báo, doanh nghiệp Việt Nam không nên giao kết mua bán với người mua trực tuyến ngay mà trước hết cần kiểm tra năng lực tài chính của người mua, yêu cầu họ đặt cọc trước cho các đơn hàng (ít nhất 20%-30% giá trị đơn hàng) và đưa ra vấn đề về quyền xử lý hậu cần trong các hợp đồng thương mại.
Mặt khác, trong thương mại, đôi khi doanh nghiệp phải đối mặt với những vấn đề không mong muốn, một cuộc giao dịch không may mắn có thể phá hủy hoạt động kinh doanh. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên áp dụng quản lý rủi ro, tài liệu, hậu cần, bảo hiểm, chất lượng…
Theo Báo Công Thương